Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Vị tướng luôn nhận những nhiệm vụ đầu tiên (KQ)

Ngày phong tướng. Việt Bắc đầu 1948. 
Trần Tử Bình có tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, tại thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; xuất thân từ một gia đình Công giáo toàn tòng.


Từ Trường dòng cho tới đồn điền cao su Phú Riềng, Nam bộ
Năm 1926, đang là học sinh Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên (Hà Đông), được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, chàng trai Phạm Văn Phu đã ngấm ngầm rủ rê học sinh chủng viện luyện tập võ nghệ rồi tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì tội này, Phu bị đuổi khỏi Trường dòng. Gia đình bị “rút phép Thông công” - hình phạt nặng nhất với con chiên ngoan đạo; vậy là các cụ phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực.
Giữa ngã ba đường, gặp nhà cách mạng Tống Văn Trân. Ông khuyên, hãy vào Nam bộ trước là kiếm sống, sau là tìm đường cứu nước vì trong đó thanh niên dễ xuất dương. Nghe theo ông, Phu kí hợp đồng với nhà thầu Phan Tất Tạo đang mộ phu vào Nam bộ làm thuê cho Hãng cao su Michelin.


Hàng nghìn nông dân mấy tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… cùng xuống tầu đi vào Nam bộ. Ngay từ khi còn ở Hải Phòng, nhà thầu Phan Tất Tạo đã bớt xén tiêu chuẩn của phu. Vốn có ít chữ nên anh Phu đứng ra bảo vệ quyền lợi của anh em. Khi xuống tầu, chủ tầu cũng hành hạ đám dân Nam nghèo đói, một lần nữa anh Phu lại đứng lên đấu tranh và bị tống giam xuống hầm tầu. Anh Phu trở thành chỗ dựa cho anh em.
Tới Phú Riềng, anh em phải phá rừng, phát rẫy, trồng cao su. Cùng hoàn cảnh xa quê, cùng bị bóc lột thậm tệ, phu cao su phải đùm bọc lấy nhau. Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử Nguyễn Xuân Cừ về gây dựng phong trào. Tháng 10-1929, chi bộ đầu tiên ở Phú Riềng với 6 đảng viên được thành lập do anh Cừ là bí thư. Rồi các hội Tương thân, tương ái, hội Đồng hương được thành lập.
Cuối năm 1929, Nguyễn Xuân Cừ bị lộ, phải rút đi, anh Phu nhận trách nhiệm bí thư. Nghiệp đoàn cao su Phú Riềng được thành lập cùng tổ chức tự vệ đầu tiên, gồm những phu trẻ khỏe, dũng cảm, được trang bị dao, búa, được tập võ nghệ, bảo vệ quyền sống của công nhân.
Dịp tết Nguyên đán năm 1930, lợi dụng tục lệ chủ Nhất chúc tết ngày xuân, anh em đã đứng ra đấu tranh đòi cải thiện đời sống. Cuộc đấu tranh dẫn đến bạo động, phu cao su cướp văn phòng, đốt các công-tờ-ta (hợp đồng lao động). 5000 công nhân làm chủ đồn điền trong gần tuần lễ. Chủ Nhất và cánh giám hộ phải bỏ chạy về Sài Gòn.
Có tư tưởng manh động, định thành lập chính quyền Xô viết, với số súng cướp được chuẩn bị đấu tranh vũ trang. Nhưng chi bộ kịp thời dập tắt tư tưởng này. Pháp đưa lính lên đàn áp nhưng không gặp phải sự kháng cự nào. Tuy vậy, anh Phu cùng các đảng viên cũng bị bắt. Qua xét xử ở Biên Hòa rồi Tòa đại hình ở Sài Gòn, anh Phu cùng số đảng viên bị đày ra Côn Đảo.


Hoạt động bí mật trước Cách mạng
Sáu năm ở Côn Đảo là thời gian học tập lí luận cách mạng. Đến năm 1936, do ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân ở Pháp mà Phạm Văn Phu cùng nhiều tù chính trị được thả về đất liền nhưng anh bị trục xuất về quê. Không nao núng, anh tiếp tục hoạt động, gầy dựng phong trào; từng là bí thư chi bộ, đến bí thư Huyện ủy Bình Lục, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam rồi Xứ ủy viên Bắc kỳ (năm 1941).
Ông Vũ Thơ, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, từng tham dự các lớp huấn luyện quân sự thời kì (1943-44), ghi lại: “Anh Số (tên hoạt động) thay mặt Xứ ủy tổ chức lớp huấn luyện quân sự ở Đồng Báng (Nho Quan). Giáo viên lên lớp là anh Hoàng Quốc Việt và anh Số. Học viên về dự có anh Lê Quang Đạo, chị Minh Châu, chị Tân (Hưng, sau là vợ anh), anh Vũ Nhất và tôi… Lớp học đóng ngay tại nhà bà Đinh Thị Du. Ban ngày tập quân sự ở vườn Thổ Thần, xóm Đồi Xưng, xã Sơn Lai; ban đêm tập trung học lí thuyết ở nhà bà Du. Bà cụ lo cơm nước cho lớp học; còn đội tự vệ thôn Sưa lo bảo vệ…
Sau đó, anh còn tổ chức lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ lãnh đạo Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Lớp tổ chức tại nhà ông Lục ở thôn Sưa, xã Sơn Lai. Chương trình giảng về Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Nguyên tắc Bảo vệ Đảng…”.
Ngày 24-12-1943, trên đường đi Tiền Châu, Thái Bình, anh bị chỉ điểm và bị bắt. Bị giam qua các nhà lao Nam Định, Phủ Lý; bị kết án tại Ninh Bình rồi bị tống giam Hỏa Lò. Tại đây, anh được anh em bầu là Trưởng Ban sinh hoạt. Lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương ngày 9-3-1945; trong các đêm từ 11-3 đến 20-3-1945, anh tham gia tổ chức vượt ngục cho hơn 100 tù chính trị.
Đêm 11-3, sau khi Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc và chục anh em tù chính trị thoát được theo đường trèo tường thì lối đi bị lộ. Sáng 12-3, loanh quanh ở sân Trại J, thấy một nắp cống có vòng thép, anh nảy ra ý tưởng: thoát theo đường cống ngầm(!). Sau khi Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử, Phan Vân tìm được lối đi, về báo cáo, Ban sinh hoạt phân chia các nhóm vượt ngục.
Sẩm tối ngày 12-3-1945, nhóm đi đầu tiên gồm 29 tù chính trị (có ông Đỗ Mười đến nay còn sống). Trước khi mở nắp cống, anh còn nói đùa: “Sống thì nhớ, chết thì giỗ giờ phút này”. Nhóm đầu do Nguyễn Huy Hòa dẫn đường, sau là Phạm Văn Phu, Nguyễn Tuân, Phan Vân; lần mò trong đường cống hôi thối, tối tăm, sau một tiếng đồng hồ thoát ra ngay vườn hoa Mê Linh (nay đối diện với Tháp Hanoi Tower). Những đêm sau, từng tốp nhỏ tiếp tục vượt ngục thành công.
Cũng từ hôm đó, cái tên Trần Tử Bình mới được dùng, với nghĩa: sống phong trần, sẵn sàng chết vì bình đẳng bác ái. Trong lịch sử của Đảng thì đây là cuộc vượt ngục có tổ chức đầu tiên của các tù chính trị và Trần Tử Bình là người đầu tiên nhận và hoàn thành nhiệm vụ này.
Trở về An toàn khu ở Vạn Phúc, Hà Đông, Trần Tử Bình được cử về xây dựng Chiến khu Hòa – Ninh – Thanh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đầu tháng 8-1945, bàn giao lại cho Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình về Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ - trực cơ quan Xứ và phụ trách 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Thời gian này, các đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy đều lên đường đi Tân Trào, dự Hội nghị của Đảng và Quốc dân Đại hội. Nắm vững chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 15-8-1945, qua radio biết Nhật đã đầu hàng Đồng minh, 2 Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang và Trần Tử Bình quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang là chủ tịch.
Chỉ 2 ngày sau, sau khi Việt Minh phá vỡ cuộc mit-tinh của công chức chính phủ Trần Trọng Kim, biến thành cuộc tuần hành thị uy lớn chưa từng có của hàng vạn quần chúng cách mạng, 2 ông chớp thời cơ, quyết định cho Hà Nội khởi nghĩa vào 19-8-1945. Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công, không đổ một giọt máu khi chưa hề có chuẩn y của Trung ương.


Tiếp tục những “nhiệm vụ đầu tiên”     
Chính quyền mới được gấp rút xây dựng khi quân Pháp trở lại gây hấn ở Nam bộ, ngày 23-9-1945. Trần Tử Bình và Trương Văn Lĩnh tiếp nhận trường Quân chính Kháng Nhật từ ông Hoàng Văn Thái, tiếp tục đào tạo thêm 3 khóa nữa.
Đến 15-4-1946, Trần Tử Bình và Hoàng Đạo Thúy lại nhận nhiệm vụ xây dựng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn – nhà trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam mới. Và ngày 26-5-1946, đã vinh dự đón Hồ Chủ tịch cùng chính phủ lên dự lễ khai giảng và trao tặng thầy trò Khóa 1 lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân”.
Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội anh dũng chiến đấu, cầm chân quân Pháp được 60 ngày đêm để cơ quan Trung ương và Chính phủ an toàn rời khỏi Hà Nội và chuyển dần lên Việt Bắc.
Với chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến, tháng 10-1947, giặc Pháp bắt đầu mở chiến dịch Léa và Cloclo, tấn công lên Việt Bắc bằng 2 gọng kìm phía đông (dọc đường số 3) và phía tây (dọc theo đường số 2 và sông Lô). Nhưng chỉ sau 2 tháng, chúng đã thất bại thảm hai.
Đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch đã ra sắc lệnh tấn phong 11 tướng lĩnh, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng. Trần Tử Bình là một trong 9 thiếu tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam anh hùng.
Năm 1950, từ một lá đơn của nhà thơ Phạm Phú Tứ, đại biểu Quốc hội, gửi Bác, tố cáo đại tá Trần Dụ Châu ăn chơi sa đọa, tổ chức tiệc cưới cho đàn em Bùi Minh Chân, khi toàn quân toàn dân ta đang thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công.
Bác đã giao cho Tổng Thanh tra quân đội vào cuộc. Trần Tử Bình đã gặp ông Phạm Trịnh Cán, Cục trưởng Cục Quân pháp (vốn là cử nhân Luật), triển khai điều tra. Các cán bộ thanh tra, quân pháp bí mật xuống các đơn vị tìm hiểu và thu thập được nhiều chứng cứ tham ô của Trần Dụ Châu và đồng bọn. Hồ sơ báo cáo lên Bác.
Tòa án xét xử Trần Dụ Châu và đồng bọn được tiến hành ở Thái Nguyên ngày 5-9-1950, dưới sự chủ tọa của Thiếu tướng Chu Văn Tấn và Công cáo ủy viên Trần Tử Bình. Tòa kết án: Tử hình Trần Dụ Châu! Là Phó Tổng thanh tra quân đội, Trần Tử Bình đã tham gia xét xử vụ tham nhũng đầu tiên.
Đến năm 1959, nhiệm kì của đại sứ tại Trung Quốc Nguyễn Khang đã mãn hạn, Đảng và Chính phủ đã cử Thiếu tướng Trần Tử Bình sang thay vì ông đã có thời gian 6 năm cùng Trường Lục quân Việt Nam đóng quân ở Côn Minh, Quế Lâm. Sau đó là 8 năm (1959-1967) ông góp phần xây dựng quan hệ ngoại giao với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Trong lịch sử Ngoại giao Việt Nam có không ít tướng lĩnh đi sứ nhưng Trần Tử Bình có vinh dự là vị “Tướng đại sứ” đầu tiên.
*
Là một giáo dân, ông dũng cảm dấn thân vào lò lửa cách mạng, luôn được tổ chức tin tưởng giao những nhiệm vụ khó khăn và hoàn thành xuất sắc. Sinh thời, Thiếu tướng Trần Tử Bình thường tâm sự với con cháu trong gia đình: "Đời cha tự hào đã làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử năm 23 tuổi và tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công năm 38 tuổi. Dễ thì ai cũng làm được; có khó mới đến lượt mình!" 
Với 60 năm cuộc đời, ông đã sống hết mình cho dân tộc và hoàn thành bổn phận của một giáo dân kính Chúa, yêu nước!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.