Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ HÀ ĐÔNG và TỔNG KHỞI NGHĨA 19/8/1945

Thị xã Hà Đông chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số, án ngữ phía tây Hà Nội. 
Từ đầu những năm 40 thế kỷ trước, cách thị xã chừng cây số là Vạn Phúc - làng cổ ven sông Nhuệ không chỉ là làng nghề truyền thống sản xuất ra lụa tơ tằm nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn là ATK (An toàn khu) của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kì bí mật đã về đây: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Trần Tử Bình, Lê Quang Đạo…
Xứ ủy Nam kỳ cử người ra Vạn Phúc xin chỉ thị của Trung ương… Sau ngày 9-3-1945, Nhật đảo Pháp ở Đông Dương, thấy tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động, Xứ ủy Nam kỳ (Tiền phong) đã cử Lý Chính Thắng ra Bắc gặp Trung ương Đảng xin chỉ thị. Suốt thời gian từ ngày Nam kỳ khởi nghĩa thất bại (23-11-1940), cơ sở tan vỡ, Nam kỳ mất liên lạc với Trung ương. Được sự giới thiệu của ông cậu là Xứ ủy viên Nam kỳ Hà Huy Giáp và từng là học sinh trường Thăng Long, ông đã tìm về trường cũ bắt liên lạc. Tại đây được bác bảo vệ giới thiệu tới gặp vợ chồng bạn học cũ là Nguyễn Xuân Ngọc và Lê Tụy Phương. Hôm sau, anh Ngọc đã bí mật đưa Lý Chính Thắng vào Vạn Phúc gặp Tổng bí thư Trường Chinh.
Sau đó, Lý Chính Thắng được đón về nghỉ ở Nhà thương Con Rồng của gia đình bà Tụy Phương. Đến giữa tháng 4-1945, ông cùng nữ giao liên Cái Thị Tám (Nguyễn Thị Kỳ, sau này là phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng) mang chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”quay trở về Nam bộ.
Vậy là chỉ thị của Trung ương về Tổng khởi nghĩa đã đến được với Nam bộ.
Tấn công vào Dinh Khâm sai sáng 19/8/1945.


Xứ ủy viên Bắc kỳ Đặng Kim Giang.

Ủy viên UBKNHN Lê Trọng Nghĩa.

Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Lê Liêm
- những người lãnh đạo Tổng khởi nghỉa - gặp nhau ở Việt
Bắc năm 1948.

Vợ chồng ông Nguyễn Duy Thân.


Hội nghị Tân Trào dưới xuôi
Từ sau 9-3-1945, tình hình trong nước và thế giới sôi động.
Bắc bộ vừa qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi gần 2 triệu sinh mạng… Có tin hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò vượt ngục, về với phong trào… Hè năm ấy, các tổ chức của Việt Minh thành Hoàng Diệu liên tục tổ chức các cuộc mit-tinh, treo cờ đỏ sao vàng tại các rạp hát, chợ búa, trường học, trên các chuyến tầu điện, phá kho thóc, ám sát tay sai cho Nhật…
Từ cuối tháng 7, các đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy đã lên Việt Bắc chuẩn bị họp hội nghị Trung ương và Quốc dân đại hội. Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Trân trước khi đi đã bàn giao lại cho 2 ủy viên Thường vụ Xứ ủy: Trần Tử Bình – phụ trách cơ quan Xứ và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ; Nguyễn Khang – phụ trách Hà Nội: “Việc liên lạc với Xứ và Trung ương sẽ rất khó khăn, các anh dựa trên tinh thần chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau…”; nếu thấy thời cơ đã chín muồi thì chủ động ra quyết định Tổng khởi nghĩa và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc...”.
Phương tiện giao thông liên lạc (ZT) chủ yếu là chạy chân hoặc xe đạp. Còn thông tin chủ yếu được cập nhật hàng ngày nhờ chiếc radio, thông qua các đài phát thanh nói tiếng Pháp. Dồn dập các tin: Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nakasaki ngày 6 và 8-8-1945… Ngày 9-8, Hồng quân Liên-xô tấn công Tập đoàn quân Quan Đông ở Mãn Châu… Và Thường vụ quyết định triệu tập Hội nghị Xứ ủy tại làng Vạn Phúc.
Tối ngày 14-8, Hội nghị được bí mật tổ chức tại ngôi miếu cổ, sát bên bờ sông Nhuệ (để tiện rút lui khi có động). Ngoài 2 ủy viên Thường vụ Xứ ủy còn có các Xứ ủy viên: Xuân Thủy, Nguyễn Văn Lộc (phụ trách Sơn Tây), Văn Tiến Dũng (chiến khu Hòa – Ninh – Thanh), Đặng Kim Giang (Hà Đông), Lê Liêm (Hưng Yên, Thái Bình)…
Sau khi tổng hợp tình hình thực tế, Thường vụ chỉ thị, ở từng địa phương nếu thấy thời cơ đến thì cho khởi nghĩa từng phần, từ xã lên huyện, đến tỉnh và sẵn sàng chi viện cho Hà Nội - nơi có Phủ Khâm sai (cơ quan cao nhất của chính phủ Trần Trọng Kim) và tập trung đông lính Bảo an.
Ngày 15-8, radio báo tin: Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Lập tức Hội nghị xứ ủy ra quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội (Ủy ban quân sự cách mạng) do Nguyễn Khang là chủ tịch cùng Nguyễn Quyết (bí thư Thành ủy), Trần Quang Huy (phụ trách Công vận), Nguyễn Duy Thân (phụ trách giới Công thương), Lê Trọng Nghĩa (phụ trách nhân sĩ, trí thức của Dân chủ Đảng) và cố vấn Trần Đình Long .
Các xứ ủy viên khẩn trương trở về ngay các địa phương. Đồng chí Nguyễn Khang cũng ra Hà Nội, tới 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo), thông báo quyết định này.
Hội nghị Xứ ủy hôm đó ở Hà Đông trùng với Hội nghị Trung ương trên Tân Trào nên sau này còn được ví von là “Hội nghị Tân Trào dưới xuôi”.
Tại Vạn Phúc - Quyết định cho Hà Nội Tổng khởi nghĩa! 
Trước đó, có tin Tổng hội công chức sẽ tổ chức mít-tinh “ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim giành được độc lập”, tại quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19-8; nhưng đến sáng 17-8 lại có tin, sẽ tổ chức vào chiều hôm đó. Đồng chí Nguyễn Khang lập tức giao nhiệm vụ cho các tổ chức Việt Minh của Hà Nội (Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, Tổng hội sinh viên, Công hội, Nông hội cứu quốc, Dân chủ Đảng, Hướng đạo sinh…) tham gia phá cuộc mit-tinh; đặc biệt giao cho Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu , bí mật bảo vệ các đội viên lên cướp diễn đàn, sau đó rút lui an toàn.
Chiều 17-8, các thành viên của Việt Minh đã trà trộn vào đám đông công chức ngụy quyền. Khi chưa kịp khai mạc diễn đàn, 2 đội viên Đội TNTTXPHD: Lê Phan, Thái Hy cùng Từ Trang Anh lách qua hàng rào bảo vệ của lính Bảo an, tiến lên thềm Nhà hát Lớn. Tại đây, nhân viên trang âm của Majestic đã trao mic-rô cho ông Lê Phan. Ngay tại bục diễn đàn, bà Từ Trang Anh đã hô hào bà con ủng hộ Việt Minh. Sau đó, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (Dân chủ Đảng) đã đọc một bản thảo chép tay, yêu cầu bà con không ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim mà sẵn sàng theo Việt Minh cướp chính quyền.
Cờ tay giấu trong ngực áo các thành viên bất ngờ được giật ra, rồi thành cả một rừng cờ. Ông Lê Chi, một đội viên Đội TNTTXPHD, vì quá phẫn khích đã phất cao lá cờ đỏ sao vàng và hô lớn: “Đồng bào theo tôi!”. Cả đoàn người với cờ đỏ trên tay, rầm rập nối đuôi nhau ra đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền) xuống Bờ Hồ, lên chợ Đồng Xuân… vừa đi vừa hô “Ủng hộ Việt Minh! Ủng hộ Việt Minh!”… Lính Bảo an, mật thám không hề có phản ứng; thậm chí còn đi theo hộ tống.
Qua chợ Đồng Xuân gặp trận mưa lớn. Mặc, đoàn người vẫn đi. Khi đoàn biểu tình đi ngang qua Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), quân Nhật đóng ở bên trong cũng chỉ nhìn ra, không có phản ứng gì.
Tại làng Vạn Phúc, Thường vụ Trần Tử Bình nóng lòng chờ đồng chí Nguyễn Khang về hội ý. Chiều tối hôm đó, ông Lê Trọng Nghĩa có mặt đã chứng kiến hình ảnh Thường vụ Nguyễn Khang vừa vứt cái xe đạp vào góc rồi sung sướng chém tay: “Thời cơ chín lắm rồi, phải cho Hà Nội khởi nghĩa!”.
Thường vụ triệu tập các xứ ủy viên còn lại họp và ra quyết định: Cho Hà Nội Tổng khởi nghĩa vào trưa ngày 19-8-1945! (Nên nhớ, đây là quyết định táo bạo của Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ khi chưa nhận được sự chuẩn y của Trung ương và Hà Nội không được hỗ trợ của lực lượng vũ trang chính quy từ chiến khu về, trong tay chỉ có quần chúng nhân dân và tổ chức tự vũ trang nghèo nàn!).

Phép thử đầu tiên với quân Nhật ở thị xã Hà Đông
Vấn đề nan giải là: tuy Nhật Hoàng đã tuyên bố đầu hàng Đồng minh nhưng lính Nhật mới chỉ nhận được lệnh từ Terauchi, Tư lệnh tối cao ở Đông Dương “tạm ngừng bắn trong 5 ngày từ 17 đến 22-8-1945” ; mặt khác Nhật cũng đã có thỏa thuận với Bảo Đại “giúp đảm bảo gìn giữ trật tự an ninh”. Nếu Việt Minh không cẩn trọng, để xảy ra đụng độ vũ trang với quân Nhật, sẽ gây tổn thất khôn lường. (Lúc này lực lượng của Nhật ở Việt Nam còn rất đông, riêng Bắc bộ có tới hơn 1 vạn lính với đầy đủ vũ khí). Vì vậy, cần có các phép thử!
Sáng 18-8-1945, bà con thị xã Hà Đông tập trung trước trại lính Nhật, giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ đòi độc lập. Họ yêu cầu 10 giờ sáng được gặp chỉ huy của Tổng bộ Việt Minh. Đúng hẹn, Thường vụ Trần Tử Bình mặc áo the, đóng khăn xếp cùng 2 đồng chí của mình vào đồn Nhật với sự hỗ trợ của quần chúng cách mạng xung quanh.
Thấy viên chỉ huy cho lính xếp hàng bồng súng chào, các đồng chí đã cảm nhận được vị thế của lực lượng cách mạng. Trong cuộc trao đổi, ngoài viên Quan năm còn có Tỉnh trưởng Hà Đông và Quản Dưỡng - chỉ huy đồn lính Bảo an.
Đồng chí Trần Tử Bình nói: Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh, và lính Nhật ở Việt Nam chỉ còn chờ ngày về nước. Vì vậy, công việc của người Việt Nam hãy để người Việt tư giải quyết, người Nhật không nên tham gia. Ngược lại, Việt Minh sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho quân Nhật. Chỉ huy Nhật đồng ý nhưng nói, sẽ báo cáo với Tổng chỉ huy ở Hà Nội.
Đồng chí Trần Tử Bình còn bàn giao: ông Đặng Kim Giang sẽ là đại diện của Việt Minh ở thị xã Hà Đông để hai bên tiện liên lạc.

Và thực tế khởi nghĩa ở Hà Đông
Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân mà không hề độ một giọt máu.
Ngày 20-8-1945, Hà Đông khởi nghĩa.
Khi lực lượng cách mạng đã chiếm được Dinh Tỉnh trưởng và tấn công vào đồn Bảo an binh. Tại đây đã xảy ra đụng độ, Quản Dưỡng không chịu bàn giao vũ khí và lệnh cho lính nổ súng vào quần chúng. Ta bị tổn thất đến 70-80 người.
… Cách đây mấy năm, sau ngày ông Thái Hy (người chỉ huy liên đội 2 của Đội TNTTXPHD, chiếm giữ Trại Bảo an binh) mất, chúng tôi được gia đình tặng cuốn hồi kí của ông. Ông có kể, khi vụ này xảy ra, Việt Minh Hà Đông đã cử Lê Trọng Tấn ra Hà Nội xin trợ giúp của Trung ương. Đến Trại Bảo an binh Hàng Bài, không có ai biết anh nên đã bắt giam “chờ xử lí”. Sau đó, cử anh Thanh vào Hà Đông xác minh mới biết anh Tấn là ủy viên Ủy ban quân sự tỉnh ra xin viện trợ.
Ngày 21-8, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội được tin này, đã cử Lê Trọng Nghĩa đi cùng ông Hồ Đắc Điềm (nguyên Tổng đốc Hà Đông trước 19-8-1945) vào vận động Quản Dưỡng. Sau khi kiên trì thuyết phục, Quản Dưỡng mới chấp thuận trao trả toàn bộ đồn binh cùng vũ khí cho Việt Minh Hà Đông.
Như vậy đụng độ lớn ở cửa ngõ phía tây Hà Nội đã nhanh chóng được dập tắt và trở thành một bài học lớn cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
*
Hà Đông, thị xã phía tây của Hà Nội, đã chứng kiến những sự kiện trọng đại trong ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Xin trân trọng ghi lại để tưởng nhớ đến những người con đã anh dũng hy sinh, để chúng ta có một đất nước độc lập, tự do ngày hôm nay!
TRẦN KIẾN QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.