Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thư gửi người đã khuất

Hà nội, ngày mùng 3 Tết, xuân Đinh Dậu

Cha kính yêu,
Hôm nay là ngày Giỗ lần thứ 50, ngày Cha vĩnh biệt thế gian này, để lại cuộc sống gia đình của mẹ và tám đứa con còn thơ dại, từ biệt một sự nghiệp cha đã chọn con đường đi cho mình khi mới 18 tuổi, vào năm 1925, để mãi mãi chỉ còn sống bằng những ký ức của người thân và những người đồng chí thân thiết.
Đầu xuân sớm nay khi con thức dậy, biết đã đến ngày giỗ của cha vẫn như mọi năm, nhưng con cảm nhận có một điều gì khác thường. Tĩnh tâm lại, con mới nhận ra sự khác biệt là một dấu mốc chẵn. Trong cuộc đời chặng đường đi được đo bằng khoảng cách, trong tưởng niệm độ lùi của quá khứ được tính bằng thời gian. Vậy là cha đã xa mái ấm thân thương của mình được trọn một phần hai thế kỷ.



Khi cha mất đi vào ngày xuân năm 1967, chị Hồng là con gái cả mới 22 tuổi đang là sinh viên, con là đứa út thứ tám mới lên 8 tuổi, vậy là gánh nặng của gia đình mà cha là người trụ cột đã dồn hết lên vai mẹ! Không biết, các anh chị của con đã ai viết thư gửi cha chưa? Nếu có, thì được mấy lá thư?
Với riêng con, đây là lá thư đầu tiên con gửi cha và có thể nó chỉ là duy nhất, vì cha đã đi xa khi con còn thơ dại, còn giờ đây khi viết những dòng này tóc con đã trắng đầu.
Thưa cha, vào giờ phút con được sinh ra trên đời, con chỉ có mẹ và các anh chị ở bên, cha nhận nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, phải công tác dài hạn ở mãi phương trời xa xôi. Linh hồn bé bỏng của cha chưa thể hiểu được giá trị tinh thần của một hài nhi khi chào đời được có người cha ở bên mình, nhưng khi bắt đầu ghi nhận ký ức, con dần nhận ra rằng đó là một sự thiệt thòi không gì bù đắp được.
Thêm một hai tuổi trong cuộc sống của một đứa trẻ, con mới nhận ra rằng, cha đang ở cách xa mẹ và cả gia đình, chứ không phải một mình con. Đôi lần, cha về công tác gấp gáp khi con còn quá thơ dại, trong đầu óc con không nhớ nổi hình ảnh thật của những ngày hiếm hoi đó. Rồi “cơ hội” được ở bên cha đã đến. Sống biền biệt xa nhà, một ngày làm việc của cha chỉ có công việc rồi lại công việc… những bữa cơm chỉ có cán bộ cùng ăn, còn buổi tối là cha ở một mình đọc sách báo.
Nhiệm kì công tác đã hết, cha làm tiếp một nhiệm kì mới. Đất nước đang có chiến tranh, công tác cách mạng đặt lên trên hết. Để đỡ cô quạnh trong những giờ phút xa nhà buối tối, cha đã thuyết phục mẹ cho đứa con út chưa đến tuổi đi học sang ở cùng.
Đó là năm 1964, tháng 3. Đây là thời gian con ở bên cha lâu nhất, tròn một năm. Nhưng đúng hơn thì chỉ được sống cùng cha sáu tháng đầu tiên, còn sáu tháng sau là phải đi mẫu giáo, cuối tuần mới được về với cha một ngày. Con của cha tuy còn bé nhưng đã quen sinh hoạt tập thể xa nhà rồi, ở nhà lúc con lên 3 tuổi đã đi trại trẻ nhi đồng, thứ bảy mới được đón về nhà chơi, để chủ nhật lại đi trại.
Có một kỷ niệm con sẽ mang theo mình trọn đời về thời gian này. Sáng hôm đó cha đi công tác rất sớm, con ở nhà với chú Phú cần vụ. Thấy con đang tha thẩn đùa chơi với đàn mèo, chú Phú viết chữ mẫu trên vài tờ giấy, bắt con tập viết theo để làm quen học chữ. Chú nhốt con vào phòng rồi khóa cửa lại. Con có cảm giấc mình như một con chim non bị “cầm tù” trong chiếc hộp kín, nhìn những tờ giấy có con chữ vô nghĩa đầy căm ghét. Con sẽ phải thoát khỏi nơi cầm cố này!
Đứa con 5 tuổi của cha kéo lê chiếc ghế tựa đến bên cửa sổ, trèo lên bậc cửa, lấy hết sức của hai nắm tay bé xíu vặn tay nắm sắt chốt cửa. Chốt sắt nhích dần, hai cánh cửa sổ mở ra, bên ngoài là không gian tự do. Con bám vào thành cửa, treo người lủng lẳng như một con dơi, rồi thả tay cho người rơi xuống đất. Nhớ lại, lúc này con mới cao khoảng 1m30, từ mặt đất lên bậc cửa sổ là hơn 2m, cũng may đó là tầng trệt, chứ nếu căn buồng con bị nhốt ở tầng hai thì đã to chuyện rồi.
Thoát ra từ nơi bị nhốt con “lủi” vào vườn nho ở giữa sứ quán, chui vào các giàn nho hình chữ A, vun những chiếc lá khô lại làm thảm để mình nằm lên. Nhìn những khe sáng chập chờn ẩn hiện qua những phiến lá xanh khi có gió lay động, con thích thú vô cùng, đơn giản đó là không gian tự do trẻ thơ của riêng con mà mấy đứa trẻ có được! Cả ngày hôm đó con không về nhà, thấy đói thì lẩn ra vườn rau của ông Lý Hoa nhổ dăm củ cà rốt ăn sống, khát thì ra vòi nước tu mấy ngụm. Con không để cho ai nhìn thấy mình. Ký ức này có những nét gợi lại lần cha bị giam ở Phủ Lý đã phá song sắt cửa sổ để thoát thân, nhưng khi chạy qua vườn rau của nhà thương thì bị phát hiện, bọn tuần phiên đã bắt lại người tù cộng sản sắp đào thoát.
Chiều chuyển dần sang tối, cha về sau một ngày đi công tác xa, bươn bả tìm con ở khu nhà của cán bộ sứ quán, tất cả những nơi trẻ con có thể chơi đùa. Mọi người đều trả lời không nhìn thấy bóng dáng con cả ngày hôm đó. Hình như ở cha có một linh cảm đặc biệt, nó chỉ xuất hiện trong tình huống riêng biệt này. Cha cứ đi dọc theo con đường giữa hai vườn nho và vườn hồng, một đoạn lại cất tiếng gọi: “Tám ơi, con ở đâu? Về với cha”… gần nơi con trốn. Ngồi trong bóng tôi, con nghe rõ từng tiếng cha gọi. Nhưng con không ra. Đấy là giây phút đứa con út của cha thấy tủi thân, nên con cứ ngồi khóc. Đến lúc trời tối hẳn, con mới chui ra từ giàn nho, vạch hàng rào Trắc bách diệp bước đến, miệng chỉ nói được câu: “con đây”. Cha bước vội lại như người tìm thấy đồ vật mình đánh mất, giọng da diết: “con tôi đây rồi” rồi ôm chặt con. Hai cha con mình đứng ôm nhau như thế bao lâu không biết, con chỉ thấy có những giọt nước ấm nhỏ xuống trán.
Đêm hôm đó, con tè dầm, cha bật đèn sáng, vừa thay quần cho con vừa độc thoại: “Tội nghiệp con tôi, đái dầm thế này là vì cả ngày trốn tránh, sợ quá đây mà”. Một tuần sau, con đi mẫu giáo cuối tuần mới được đón về. Sáu tháng sau, con về nước hẳn, kết thúc giai đoạn duy nhất được ở gần cha. Cha đã viết thư cho mẹ câu chuyện này. Mẹ sốt ruột và có viết thư trả lời cha: “…em tưởng cho con sang để anh đỡ buồn, nào ngờ anh bỏ nó ở đó đi công tác suốt ngày, bây giờ lại cho nó đi mẫu giáo. Nếu vậy, em sẽ đón con về…”! Hình như người mẹ nào cũng hay xót xa về đứa con mình nếu nó không được chăm bẵm cẩn thận, và lại lấy toàn quyền làm mẹ để quyết định, cha nhỉ?
Miền Bắc đã bị không quân Mỹ ném bom, tất cả mọi người ở thành phố đều phải đi sơ tán. Mẹ đưa chúng con vào Hà Đông ở với gia đình bác Tư Thủy. Ở đây con được biết thêm nhiều hơn về cha. Khi cha phụ trách tỉnh Hà Đông đã đi về nơi đây, xây dựng cơ sở cách mạng của Xứ ủy và Trung ương, lúc cha tổ chức vượt ngục Hỏa Lò đầu năm 1945 cũng về đây đầu tiên, rồi khi cha lãnh đạo xứ ủy giành chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ cũng ở đây là chính. Thế nên cha rất thân với vợ chồng bác Tư Thủy. Con cứ quanh quẩn với những mẩu chuyện trong đầu về cha và bác Tư Thủy.
Thế rồi một chiều đông cuối năm 1965, khi đang ngồi bên cạnh bác Thủy gái gạt những sợi rơm vào bếp cho bữa cơm chiều, con rụt rè “trình bày” những suy nghĩ của đứa bé lên 6. Con thủ thỉ với bác gái: “Bác ạ, thời kì bí mật các bác đã nuôi cha cháu, bây giờ chiến tranh sơ tán, các bác lại nuôi ba anh em cháu, vậy cháu muốn xin phép hai bác cho cháu gọi là Bố mẹ nuôi có được không ạ”! Bác Tư gái nhìn con chằm chặp, có lẽ câu nói của con quá đột ngột? rồi bác gọi vọng lên nhà trên: “Ông Tư ơi, xuống đây tôi bảo”. Bác trai vừa đến cửa bếp đã nghe bác gái thuật lại nguyên văn câu nói của con. Bác cũng đứng lặng đi, tấm thân cao lớn của bác trai in lên nền trời chiều đông như một cây cổ thụ yên lặng. Có phải câu nói hồn nhiên của con rất đúng với tình cảm cách mạng thân thiết, gắn bó giữa cha với hai bác không cha?
Vài hôm sau mọi người trong làng đều biết việc này và nhìn con với ánh mắt yêu quý. Hình như xưa nay, việc nhận làm con nuôi chỉ là câu chuyện của người lớn với nhau, hay của người lớn với trẻ con, chứ chưa bao giờ của đứa trẻ với người lớn, cha nhỉ?
Lần cuối cùng con ở bên cha là chiều ngày 28 tháng 1 năm 1967. Con rất nhớ ngày này. Hôm đó là thứ bảy.
Buổi trưa, con đi đò từ Vạn Phúc qua sông Nhuệ sang Mỗ Lao, rồi đi bộ ra bến tàu điện Hà Đông như mọi lần. Tàu dừng ở Cửa Nam, con đi dọc hết phố Phan Bội Châu là về đến nhà. Leo hết bậc cuối cùng cầu thang lên tầng hai, con thấy căn phòng của cha mẹ khép cửa. Mẹ vẫn đi làm. Con đẩy nhẹ cánh cửa nhìn vào. Cha đang nằm nghỉ trên giường, thấy khuôn mặt của con ngấp nghé nơi khe cửa, đã vẫy con lên giường để nằm với cha. Cha duỗi ngang cánh tay trái cho con gối lên.
Đã 2 năm rồi, con lại được nằm cạnh cha, một cảm giác vừa thích vừa ngại ngùng của đứa trẻ. Con líu lô kể những chuyện nơi sơ tán như chăn trâu, tắm sông, trồng rau,, nuôi gà, mò trùng trục hến trai, nghe hát xẩm bến tàu… nhiều lắm, con không nhớ hết. Cha chỉ nằm nghe mỉm cười, rồi thỉnh thoảng nói một lời khen, hay vỗ về nhẹ vào lưng con. Cha bảo lần này về họp gấp, tình hình đất nước rất khó khăn nên ai cũng phải làm việc khẩn trương.
Rồi cha ngồi dậy ra mở cửa sổ để căn buồng đỡ ngột ngạt. Con thấy cha ôm đầu, kêu chóng mặt. Hình như đầu óc căng thẳng và con gió độc đã làm cha gục ngã? Trở lại giường con thấy cha rên khẽ mà con không biết phải làm gì. Gần một tiếng sau tổ bảo vệ sức khỏe đến khám rồi đưa cha đi cấp cứu.
Đúng hai tuần sau vào ngày 11 tháng 2 tức mùng 3 Tết cha đã mãi mãi ra đi.
Lên 8 tuổi con đã mồ côi cha. Đám tang tiễn đưa cha trong thời chiến có rất nhiều người đến dự. Bác Hồ, bác Tôn và các cô, các chú cán bộ cao cấp gắn bó với cha ai cũng khóc. Các cô chú cơ sở cách mạng ở các tỉnh xa cũng cố đi tàu hỏa, xe khách về vĩnh biệt cha… tình cảm cách mạng thật thiêng liêng, cao quý mà rất tự hào.
Sau khi cha mất, con thuyền gia đình có 8 đứa con đều do một tay mẹ chèo chống, mà mẹ còn phải vượt qua căn bệnh ung thư nữa. Gia đình mình cũng qua nhiều chặng thăng trầm, có những điều con không muốn viết ra ở đây. Nhưng có hai điều hạnh phúc: một là, mẹ đã vượt qua căn bệnh nghiệt ngã, trở lại làm việc và đưa một đơn vị yếu kém trở thành lá cờ đầu của ngành được nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước. Hai là, tám người con của cha đều tốt nghiệp đại học, điều ít gia đình thời đó có được.
Trong cái khó khăn chung của toàn xã hội, các con đều lần lượt trưởng thành. Mẹ đã lấy tấm gương của cha giáo dục chúng con: sống trung thực, chân thành, không luồn cúi, lao động chân chính và tự trọng, thế nên cuộc sống của chúng con đều được yên bình, các cháu của cha cũng ngoan ngoãn học giỏi. Cái nếp của gia đình ta vẫn giữ được dù cha đã đi xa và mãi mãi không trở về.
Hôm nay là ngày đặc biệt nên lá thư con viết cũng đặc biệt – Viết cho người đã khuất. Con muốn viết vài dòng ký ức của mình phảng phất trong hình bóng của cha. Con biết không có nhân viên bưu điện nào có thể chuyển bức thư này đến địa chỉ nơi cha yên nghỉ, thế nên vào buổi chiều con sẽ thắp hương và tự hóa lá thư. Con tâm niệm: khói hương và lời nguyện cầu sẽ chuyển được lá thư đến cha. Được không cha?
Hôm nay là ngày đầu xuân, có những con phố mang tên cha ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nam… cũng đang ngập tràn khí xuân, hoa xuân và những lời nói, nụ cười ngày xuân, vậy là cha sống với gia đình và đất nước trong một mùa xuân vĩnh cửu, cha ạ!
Con hôn cha thật nhiều, cha kính yêu.
Con trai út của cha.

1 nhận xét:

  1. Đăng trong cuốn Cha Và Con , nhà xuất bản Trẻ năm 2017.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.