Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Kỉ niệm về thủ trưởng Bình (Vũ Thuần)


Về một lần Mao Chủ tịch tiếp Đại sứ

Mười giờ sáng hôm ấy, Đại sứ Trần Tử Bình được Mao Chủ tịch tiếp tại phòng khách ở Trung Nam Hải. Tôi có mặt với nhiệm vụ phiên dịch.
Nhìn thấy chúng tôi, đang ngồi trên đi-văng Mao Chủ tịch đứng dậy, giơ tay chào rồi bắt tay thân mật. Người nói:
- Được tin các đồng chí đến, tôi thu xếp tiếp ngay, mặc dầu giờ này là giờ ngủ của tôi. Trước sau tôi vẫn coi các đồng chí là  sứ giả của tiến tuyến lớn. Tiền tuyến lớn gọi hậu phương phải trả lời ngay.
Đại sứ Trần Tử Bình vui mừng báo cáo với Mao Chủ tịch về những chiến công mới nhất của quân, dân hai miền Nam, Bắc trong tháng qua. Những lần trước, do chưa quen với khẩu âm vùng Hồ Nam của Mao Chủ tịch  nên khi Người nói nhanh có chỗ không nghe ra nên tôi không dịch được. Lo quá toát mồ hôi, ướt cả lưng chiếc áo len ngắn tay. Vậy mà lần này nhờ “khí thế” của Đại sứ, tôi trở nên tự tin hơn, phát âm rõ ràng, cố gắng dịch thật to làm cho buổi gặp mặt trở nên sôi nổi. Nghe xong Mao Chủ tịch đứng dậy, bắt tay chúc mừng:
- Các đồng chí tiếp tục kiên trì đánh giặc, cuộc kháng chiến của các đồng chí nhất định thắng lợi!
Khi  Đại sứ  chào ra về, tôi được Mao Chủ tịch bắt tay rồi xoa đầu  khen:
- Đồng chí xứng đáng là một trong những sản phẩm tốt của mối quan hệ  hữu nghị Trung - Việt!
                   




Một tấm gương sáng học ngoại ngữ

Đại sứ Trần Tử Bình là người từng học qua chữ Hán khi ông công tác tại Vân Nam. Vì vậy việc học tiếng Trung Quốc có phần thuận lợi; song do tuổi tác  đã cao, công việc lại bận rộn nên việc học cũng không phải dễ dàng. Đại sứ không hề giấu dốt giao nhiệm vụ cho tôi:
- Trong việc học tiếng Trung Quốc thì chú là thầy giáo của tôi. Nhớ phải dạy phát âm chuẩn theo “chú âm phù hiệu” đấy nhé!
Ông đặt kế hoạch cho mình mỗi ngày phải học được sáu từ mới, chủ yếu là các từ về chính trị, kinh tế ngoại giao và quân sự. Ngoài ra, tôi phải giúp ông tập nói. Chiều chiều sau bữa cơm tối, đứng từ trên gác tôi thấy Đại sứ thường dạo bộ quanh vườn hoa, vừa đi ông vừa nhẩm lại bài  học tiếng Trung của tôi đã giao. 
Khi tâm sự về việc học ngoại ngữ, Đại sứ tỏ ra không hài lòng với một số đại sứ của ta thường ỷ do tuổi tác cao và đã có tiêu chuẩn phiên dịch nên không chịu học. Có vị đại sứ sống ở nước bạn đã hai, ba năm mà không nói được một câu thông thường bằng chính ngôn ngữ nước mình đang sống. Theo Đại sứ “việc học là việc làm cả đời”, trong công tác ngoại giao học thêm được một ngoại ngữ không chỉ có ích  cho công việc mà còn là lợi cho bản thân.
Đại sứ rất bạo dạn mỗi lần tiếp xúc với các bạn Trung Quốc và các đồng nghiệp ngoại giao biết tiếng Trung Quốc trong Đoàn Ngoại giao. Mỗi lần dự tiệc chiêu đãi, đồng chí dặn tôi không cần dịch, chỉ khi nào thấy Đại sứ đứng dậy phát biểu mới đứng cạnh phiên dịch.
Về sau, đồng chí giao cho tôi nhiệm vụ dự thảo nội dung bài phát biểu, dịch và viết rõ ràng bằng chữ Hán, khi đến nơi đồng chí sẽ phát biểu theo giấy chuẩn bị sẵn, còn tôi chỉ ngồi nghe mà không  phải làm gì. Trong các buổi mit-tinh lớn, khi Đại sứ kết thúc bài diễn văn bằng tiếng Trung Quốc, quan khách Trung Quốc và các nước có mặt thường vỗ  tay nhiệt liệt. Có người còn giơ ngón tay cái về phía Đại sứ và nói lớn:
- Chúng tôi phải học tập tinh thần học tập ngoại ngữ của Ngài.
Mỗi lần như vậy, chúng tôi - các cán bộ Sứ quán có mặt - đều rất tự hào về thủ trưởng của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.