Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

THIẾU TƯỚNG CHÍNH UỶ VÀ VIỆC XÂY DỰNG KỶ LUẬT QUÂN ĐỘI

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc[1]

            Việc xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam là một quá trình lâu dài và gian khổ, từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh… Là một cựu học viên khóa 6 Trường Lục quân Việt Nam - nhà trường chính quy đầu tiên đào tạo cán bộ quân đội của Nhà nước Việt Nam non trẻ - tôi muốn ghi lại một kỷ niệm với Thiếu tướng Chính uỷ Trần Tử Bình trong việc góp phần xây dựng kỷ luật quân đội cách mạng.


Năm 1949, từ trường Trung học Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên, tôi được gọi đi học Lục quân. Đầu năm 1950, sau khi Bác Hồ thỏa thuận được với Đảng và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, thầy trò chúng tôi đã cùng nhà trường hành quân bộ theo đường Hà Giang sang Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

Ngay từ khi quân đội ta mới thành lập, việc huấn luyện và xây dựng kỷ luật chưa có chuẩn mực chung mà bị ảnh hưởng theo nhiều mô hình rèn luyện khác nhau. Một số cán bộ được Bác Hồ gửi đi học Trường Quân sự Hoàng Phố (1926-1927) hay Trường Quân sự Quảng Tây (1941-1942) thì áp dụng giáo án huấn luyện quân sự Trung Quốc. Các sĩ quan từng theo học các trường sĩ quan của Pháp, về với cách mạng, thì lại dùng giáo án huấn luyện kiểu Pháp. Sau ngày Cách mạng thành công, ta sử dụng một số sĩ quan Nhật về với Việt Minh làm giáo viên huấn luyện quân sự; họ mang theo phong cách rèn lính của quân đội Nhật hoàng… Như vậy “kỷ luật thép” theo kiểu “Tàu”, Pháp, Nhật được áp dụng không chỉ ở Trường Lục quân mà cả các đơn vị. Kỷ luật này thậm chí khắc nghiệt đến mức “quân phiệt”.

Anh em lính ta rất trẻ, phần lớn là nông dân cùng số học sinh dời đô thị vào quân ngũ, chưa quen ngay với kỷ luật “nhất cử nhất động” của quân đội. Vốn tự do nên dễ vi phạm và bị thủ trưởng thi hành kỷ luật. Hiện tượng cán bộ làm nhục lính: tát tai, đá đít, bắt lính quỳ, bò… khá phổ biến ở các đơn vị. Ở Trường Lục quân cũng vậy, “phạt” như cơm bữa! Bò, quỳ, chạy dài, đứng nghiêm hàng tiếng đồng hồ là những hình phạt thường xuyên. Cá biệt có học  viên bị phạt phải đứng dưới cột cờ, tay phải giữ một chiếc kim khâu không được để rơi. Giữa trời nắng chang chang, mồ hôi mồ kê nhễ nhại thì làm sao mà giữ nổi chiếc kim khâu!? Có học viên bị ho, nhỡ khạc nhổ trong hàng quân, bị cán bộ phạt bắt cúi xuống liếm sạch vết nhổ dưới đất. Việc thi hành kỷ luật thậm chí mang “tính liên đới chịu trách nhiệm”, nếu một học viên bị kỷ luật thì cả tiểu đội bị lây, mà một tiểu đội đã bị thì cả trung đội, đại đội cũng bị liên đới. Kỷ luật của nhà trường lúc bấy giờ đúng là rất nghiêm nhưng không khí  trong đơn vị hết sức căng thẳng. Giữa cán bộ và học viên bất bình đẳng. Học viên thì sợ cán bộ như sợ cọp, nhưng uất ức; còn cán bộ thì coi học viên như tay sai, không còn bản chất của một quân đội nhân dân. Nhiều anh em gọi đây là “trường luộc quân”(!).

Khi nhà trường sang Trung Quốc, sau khi phát hiện ra việc chấp hành những quy định về kỷ luật trong quân đội quá hà khắc, thậm chí “quân phiệt”, Chính trị Cục đã có những chỉ thị uốn nắn trong rèn luyện kỷ luật. Trong nhà trường được hướng dẫn: cán bộ, học viên phải học tập “tác phong Hồ Chủ tịch” và “tư tưởng mới - quan điểm quần chúng” (từ quần chúng mà ra, rồi lại trở về với quần chúng). Từ đây không khí dân chủ lan nhanh trong toàn trường; nhưng hiện tượng mới lại phát sinh: cán bộ sợ học viên và ngược lại, quá khích, học viên coi thường cán bộ.

Năm 1950, Thiếu tướng Trần Tử Bình được phân công về lại Trường Lục quân Việt Nam làm Chính uỷ. Là tướng nhưng tác phong ông rất giản dị, sâu sát quần chúng. Khi xuống các tiểu đoàn, các lớp, khi tiếp xúc với học viên, ông đã phát hiện ra vì sự thái quá này làm kỷ luật của đơn vị trở nên lỏng lẻo. Ông đã cho họp Hiệu uỷ và cán bộ nhà trường, ra chỉ thị uốn nắn hai thái cực này, sao cho trong đơn vị giữa thủ trưởng và chiến sĩ phải dân chủ, đoàn kết nhưng kỷ luật phải thật nghiêm minh, không được lỏng lẻo. Và ông đã thành công. Từ đây trong toàn trường có không khí đoàn kết, rất hồ hởi, phấn khởi nhưng kỷ luật vẫn rất nghiêm và tạo ra một sức mạnh mới trong “rèn quân, chỉnh cán”.

Sau tháng năm huấn luyện tại trường, các cán bộ tốt nghiệp Lục quân đã mang theo tư tưởng và tác phong mới về các đơn vị trong toàn quân. Họ đã góp một phần xây dựng kỷ luật quân đội với tinh thần mới tới từng cán bộ, chiến sĩ. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp được phân về Đại đoàn 316 làm trung đội trưởng của đại đội 56 (thuộc trung đoàn 98) và vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954. Tất cả những gì học được ở nhà trường tôi đã cố gắng vận dụng tại đơn vị mình.

Nghĩ lại mới thấy đúng, việc rèn luyện kỷ luật trong giai đoạn quân đội ta lên chính quy, hiện đại là một việc làm tất yếu, thường xuyên; nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ lại là vấn đề không nhỏ! Đây cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi với Chính uỷ Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam – Thiếu tướng Trần Tử Bình.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 3-2005

Đ.V.P





[1] Cựu học viên khóa 6 Trường Lục quân VN khóa 6, nguyên Tuỳ viên quân sự tại Liên bang Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.