Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Lễ tưởng niệm...


LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG CHÍ TRẦN TỬ BÌNH

Trần Thắng Lợi
Nhân dịp kỉ niệm 59 năm Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm lão đồng chí Trần Tử Bình vào sáng thứ Bảy, ngày 21 tháng 8 năm 2004, tại Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội). Hơn 250 khách mời đã đến dự.


Đồng chí Tăng Văn Phả - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam, đồng chí Nguyễn Xuất - uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ thay mặt cho các địa phương mà đồng chí Trần Tử Bình trên cương vị Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách xây dựng phong trào trong thời kì bí mật đã tới dự.

Bộ Quốc phòng nơi Thiếu tướng Trần Tử Bình, nguyên Phó bí thư Quân ủy, đã gắn bó, đóng góp nhiều công sức xây dựng, phát triển từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 4 năm 1959 có đại biểu của nhiều cơ quan, đơn vị: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, các thiếu tướng Ngọc Anh, Vũ Ngọc Diệp - Phó chánh tra Bộ Quốc phòng, đại diện Cục Cán bộ. Trường sỹ quan lục quân I, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, đơn vị kế thừa truyền thống của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn với sự có mặt của Đại tá Nguyễn Văn Soạn, Chủ nhiệm Chính trị.

Đại diện Tổng Công ty cao su Việt Nam, thay mặt cho hơn 100.000 công nhân cao su, những người đang kế thừa truyền thống “Phú Riềng Đỏ” bất diệt, đang ngày đêm lao động, góp phần làm giầu Tổ quốc, đã có mặt.


Đồng chí Hoàng Lương, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (Đoàn Sự, Hà Ngọc Quế, Vũ Thuần…) nơi đồng chí Trần Tử Bình công tác trên cương vị Đại sứ (1959-1967), đã đến dự. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung, cũng có mặt.

Các lão thành cách mạng, bạn chiến đấu trong các thời kì: Xứ uỷ Bắc Kỳ (Nguyễn Văn Trân, Hoàng Tùng), bạn tù Hỏa Lò (Nguyễn Huy Hòa, Trương Đình Dần, Nguyễn Thị Ban, Trần Văn Cử, Nguyễn Tuân… ), bạn chiến đấu thời kì bí mật ở Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ (Hà Thị Quế, Vũ Thơ, Phan Văn Bảng, Phan Văn Phán, Nguyễn Thị Trắc, Trần Quyết, Lê Đông, Lê Quang Tuấn, Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Trung, Đỗ Văn Mô…), Ban Liên lạc Trường Quân chính Việt Nam và Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn (Nguyễn Văn Bồng, Đỗ Đức, Đỗ Hạp, Hoàng Đạo Hùng, Nguyễn Văn Hiếu… ), cán bộ Tổng thanh tra quân đội (Trần Thế Môn, Nguyễn Khắc Nghi, Hồng Quang, Đỗ Trọng Lê… ), cán bộ, chiến sĩ Liên khu X năm 1948 (Nguyễn Huy Văn), Trường Lục quân Việt Nam (Đỗ Trình, Đoàn Quang Thìn, Trần Văn Quang, Bùi Đức, Nguyễn Huy Phùng… ), Anh hùng lao động - giáo sư Vũ Khiêu… đã có mặt.

Đại diện cho các gia đình lão thành cách mạng Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Xuân Thuỷ, Chu Văn Tấn, Lê Liêm, Nguyễn Khai, Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Chánh, Đặng Kim Giang, Lương Khánh Thiện, Bồ Xuân Luật, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Vũ Lập, Vương Thừa Vũ, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trương Thị Mỹ, Vũ Anh, Nguyễn Văn Si, Trần Duy Hưng, Trần Đăng Ninh, Lê Quang Hoà, Hoàng Sâm, Ngô Minh Loan, Trần Độ, Phạm Ngọc Mậu, Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc, Nguyễn Trinh Cơ, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Mười, Lê Khôi, Hà Ân, Nguyễn Thiên Tích… đã tới dự.

Thay mặt cho quê hương đến dự có các đồng chí Trần Anh Tài - Bí thư Huyện ủy Bình Lục, Đào Kim Đức - Bí thư Đảng uỷ và Uỷ ban Nhân dân xã Tiêu Động.

Các thế hệ con cháu cùng họ hàng nội, ngoại từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định đã về dự đông đủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bạn tù Hỏa Lò Đỗ Mười cùng gia đình các đồng chí Đinh Đức Thiện, Lê Liêm… đã gửi lẵng hoa đến tưởng niệm.

Các cơ quan thông tấn, báo chí (Báo Quân đội, Tiền Phong, Hà Nội Mới và Đài truyền hình Hà Nội) đã đến đưa tin.

Sau phần khai mạc, trao tượng đồng cho gia đình tướng Nguyễn Chánh và Nguyễn Bình, Tổng thư kí Dương Trung Quốc thay mặt Hội Sử học đọc bài “Tưởng nhớ anh Trần Tử Bình” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đồng chí Lê Trọng Nghĩa (nguyên uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội 1945, bạn tù Hỏa Lò) vì điều kiện sức khỏe không thể có mặt đã uỷ quyền cho cựu chiến binh Trần Văn Quang - Trưởng Ban liên lạc Việt Minh Hoàng Diệu - người bảo vệ đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình cùng nhân dân Hà nội tiến vào chiếm Bắc Bộ phủ, sáng 19 tháng 8 năm 1945 - đọc bài “Nhớ anh Trần Tử Bình trong Tổng khởi nghĩa 1945”.

Là người chấp bút cho tác phẩm “Phú Riềng Đỏ” của công nhân cao su Phú Riềng đầu năm 1930, nhà sử học Hà Ân xúc động đọc bài tham luận “Tôi viết về cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng”. Sau đó đồng chí Vũ Thơ, nguyên cán bộ Ninh Bình, nguyên Bí thư chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, nhắc lại những kỉ niệm về đồng chí Trần Tử Bình với phong trào cách mạng Ninh Bình và chiến khu Hòa-Ninh-Thanh những năm 1940-1945. Đồng chí xúc động nói: “Tất cả chúng tôi, những cán bộ được anh Bình dìu dắt, bồi dưỡng cho đến ngày hôm nay đều tự hào vì luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng!”.

Hội thảo rất thú vị khi được nghe Trung tướng Đỗ Trình nhắc lại vai trò Chính uỷ Trần Tử Bình trong những ngày Trường Lục quân Việt Nam đóng quân ở Vân Nam Trung Quốc (1951-1955). Những năm tháng đó, đồng chí Trần Tử Bình luôn chú ý củng cố đoàn kết nội độ, đoàn kết với Bạn để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy cho quân đội ta. Đặc biệt những kỉ niệm khó quên trong đợt chỉnh huấn “Phản tỉnh”, một trong những bài học về sự máy móc, ấu trĩ trong đấu tranh nội bộ và vai trò Chính uỷ trong việc giải quyết, khắc phục các sai lầm, minh oan cho nhiều cán bộ, học viên.

Cảm động hơn khi các đại biểu được nghe lão đồng chí Nguyễn Trung (cơ sở cách mạng ở Cổ Tiết, Phú Thọ) nhắc lại chuyện đầu năm 1957, đích thân Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Tử Bình thay mặt Đảng, Nhà nước về Phú Thọ xin lỗi và cứu đồng chí ra khỏi nhà tù sau 13 tháng bị tù gông, do bị quy nhầm là đảng viên Quốc dân đảng. Sự tham gia tích cực, chủ động, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước trong thời kỳ sửa sai của đồng chí đã minh oan cho nhiều cán bộ và cơ sở cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bồng thay mặt cho 24 tướng lĩnh có mặt, đại diện cho cán bộ, học viên khoá 1, 2, 3 của Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946-1947), có bài phát biểu “Đồng chí Trần Tử Bình với công tác Đảng, công tác chính trị trong nhà trường quân sự đầu tiên”. Đối với các tướng lĩnh, nguyên là học viên các khóa đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn thì ký ức về hai người thầy, hai người đồng chí thân yêu - Trần Tử Bình, Hoàng Đạo Thúy - còn sống mãi.

Lão đồng chí Hoàng Tùng, người đồng hương, người bạn từ những ngày hoạt động bí mật, đã phát biểu ngắn gọn và xúc động đánh giá cao tài năng, đức độ của một cán bộ cách mạng xuất thân từ một nông dân công giáo nghèo của tỉnh Hà Nam, dũng cảm bước vào con đường “vô sản hóa”, làm công nhân cao su, trở thành đảng viên Cộng sản lớp đầu tiên, đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng giao phó. Theo đồng chí, Trần Tử Bình là một mẫu cán bộ cách mạng trung thành với lý tưởng, trung thành với Tổ quốc mà mọi thế hệ phải học tập.

Cuối cùng, giáo sư Vũ Khiêu - một trí thức cách mạng, người bạn thân của vợ chồng đồng chí Trần Tử Bình - Nguyễn Thị Hưng từ ngày cùng công tác ở Tỉnh ủy Phú Thọ, Liên khu 10 lên tặng đôi câu đối thật cảm động “Tuốt kiếm thư hùng đi cứu nước/ Trọn đời trung dũng chỉ vì dân”.

Vì thời gian có hạn nên nhiều tham luận chưa được đọc trong lễ tưởng niệm. (Chúng tôi sẽ cho in trong cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội”).

Cũng tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phùng Khắc Đăng thay mặt cho Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bồng thay mặt cho Ban Liên lạc khóa 1-2-3 Võ bị Trần Quốc Tuấn và đại diện của Tỉnh uỷ Phú Thọ, Tổng Công ty Cao su, Công ty cao su Phú Riềng, Đồng Phú, Trường Sĩ quan Lục quân I, cựu diễn viên văn công Lục quân, lão đồng chí Nguyễn Thị Trinh (vợ đồng chí Nguyễn Chánh) cùng gia đình cán bộ lão thành cách mạng đã trao cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam những giọt đồng đầu tiên để đúc tượng danh nhân Trần Tử Bình.

Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc!


T.T.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.