Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

LỄ TRÌNH QUỐC THƯ CÓ MỘT KHÔNG HAI[1]

Đại tá Đoàn Sự[2] kể
Kiến Quốc ghi

Mao Chủ tịch (áo sáng) tiếp Đại sứ đêm trình Quốc thư, 15/4/1959.
Những năm cuối của thập kỷ 1950, Chủ tịch Mao Trạch Đông có thói quen ngủ vào ban ngày và thức trắng đêm để làm việc. Các công việc mang tính chất ngoại giao, hành chính không còn phù hợp với tác phong làm việc của ông. Trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã chuẩn bị để đồng chí Lưu Thiếu Kỳ thay thế ông điều hành đất nước, còn ông chuyển sang làm công tác Đảng.

Thời gian này, đồng chí Nguyễn Khang là Đại sứ của ta tại Bắc Kinh từ năm 1957 đã sắp mãn hạn và cần người thay thế. Đồng chí La Quý Ba - nguyên thứ trưởng Ngoại giao, người đã “đồng cam cộng khổ” với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc - đã đề đạt ý kiến của phía Bạn đề nghị ta cử đồng chí Trần Tử Bình - một tướng lĩnh đã có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại với Trung Quốc - sang làm Đại sứ thay đồng chí Nguyễn Khang. Hồ Chủ tịch và Trung ương sau khi xem xét đã nhất trí cử đồng chí Trần Tử Bình sang Trung Quốc.



Ngày 10 tháng 4 năm 1959, đồng chí lên đường đi Bắc Kinh. Chiều ngày 13 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị đã tiếp đồng chí. Bộ phận Lễ tân của sứ quán được thông báo: Lễ trình quốc thư không tiến hành ở Đại Lễ Đường mà sẽ tổ chức ở Trung Nam Hải, thời gian: 12 giờ đêm ngày 15 tháng 4, với một lý do đặc biệt: Mao Chủ tịch chỉ làm việc về đêm. Với tác phong giản dị, trước khi đi, đồng chí Trần Tử Bình phân vân: “Mình mặc bộ Tôn Trung Sơn đi trình quốc thư có được không? Vì không thạo thắt cà-vạt, mỗi lần đi cứ phải nhờ anh em… thật bất tiện”. Cán bộ lễ tân giải thích: “Trình quốc thư là nghi lễ quốc gia, vậy anh phải mặc com-plê đen, thắt cà-vạt…” .

Đã gần nửa đêm, chiếc xe Ziss màu đen, mang biển số ngoại giao, cắm quốc kỳ Việt Nam, được mô tô cảnh sát dẫn đường xuyên màn đêm chạy vào Trung Nam Hải. Khi kim đồng hồ chỉ 12 giờ, xe dừng tại bậc thềm phòng khách của Mao Chủ tịch. Mao Chủ tịch ra tận ôtô mở cửa đón đồng chí Đại sứ trong sự ngỡ ngàng của các cán bộ tùy tùng. (Đây là một việc chưa bao giờ Chủ tịch làm với bất cứ vị khách ngoại giao nào). Chủ tịch mời tân đại sứ vào phòng khánh tiết, vừa đi ông vừa lấy tay vỗ nhẹ vào bụng đồng chí: “Bụng đồng chí to rồi đấy, to hơn hồi công tác ở Vân Nam. Tôi cũng vậy, mà vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn. Phải chịu khó tập thể dục thể thao mới được!… Thôi, ta sẽ tiến hành làm thủ tục trình quốc thư. Mà đơn giản thôi vì toàn người quen cả, chúng ta đều là bạn chiến đấu.”

Trong phòng khánh tiết, đứng cạnh Mao Chủ tịch là Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị. Đồng chí Trần Tử Bình trịnh trọng trình quốc thư của Hồ Chủ tịch cho Mao Chủ tịch. Các nghi lễ rất đơn giản trong không khí thật trang nghiêm. Sau khi kết thúc thủ tục trình quốc thư, tất cả được mời vào phòng khách. Mao Chủ tịch vui vẻ nói:

- Xin thông báo cùng Đại sứ, kể từ ngày mai, tôi không còn làm Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân  Trung Hoa mà chuyển sang làm công tác Đảng. Già rồi không còn khả năng làm công việc hành chính mà chỉ làm công tác nghiên cứu thôi.

Nói rồi ông cho phục vụ mở rượu Mao Đài. Chủ khách cùng nâng ly mừng hội ngộ. Đại sứ Trần Tử Bình chuyển lời hỏi thăm sức khỏe của Hồ Chủ tịch đến ông và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Trong không khí lành lạnh của đêm đầu mùa hạ, với tình cảm nồng hậu pha chút hơi men, Mao Chủ tịch hỏi thăm tình hình Việt Nam, hỏi thăm Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo nước ta. Nhiều lúc không cần phiên dịch, phá bỏ nghi lễ ngoại giao, ông nói chuyện trực tiếp với đồng chí Đại sứ. Ông không quên kỷ niệm đồng chí Trần Tử Bình có thời gian 5-6 năm đã cùng tướng Lê Thiết Hùng, Lê Trọng Tấn và Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam đóng quân tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Trường đã đào tạo hơn 10 nghìn cán bộ quân sự cung cấp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Ông nhớ rõ Việt Nam có nhiều tướng lĩnh được đào tạo ở Trung Quốc từ những năm 1926-1927 và 1942-1943. Đặc biệt “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn – Hồng Thuỷ từng tham gia Vạn Lý Trường Chinh với Hồng Quân Công Nông và đồng chí Lý Ban - một đảng viên cộng sản Việt Nam và là Liên tỉnh uỷ viên, trực tiếp lãnh đạo chiến tranh chống Nhật tại Liên tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây. Ông nhắc lại chuyện bộ đội Việt Nam đã hy sinh xương máu giúp Trung Quốc tiêu dịệt ba trung đoàn quân Tưởng Giới Thạch tại Thập Vạn Đại Sơn, đầu năm 1949. Giữa hai nước về địa lý thì “núi liền núi, sông liền sông” nhưng về tình cảm thì đúng là “môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm”! Ông chúc đồng chí Trần Tử Bình trong thời gian công tác tại Trung Quốc sẽ hoàn thành nhiệm vụ “làm chiếc cầu nối” giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị vốn có của hai dân tộc.

Đúng là một lễ trình quốc thư có một không hai trong lịch sử ngoại giao! Theo thông lệ, Chủ tịch nước sẽ lần lượt tiếp nhận quốc thư của đại sứ các nước trong cùng một buổi tiếp; nhưng lần này, sau khi tiếp đồng chí Trần Tử Bình, Mao Chủ tịch không tiếp ai nữa. Đặc biệt hơn, đây là lễ nhận quốc thư cuối cùng của Chủ tịch Mao Trạch Đông trên cương vị Chủ tịch nước.

Sau đó, Đại sứ Trần Tử Bình đã công tác tại Bắc Kinh đến đầu năm 1967 và có những đóng góp tích cực trong việc tận dụng khả năng giúp đỡ to lớn của Trung Quốc chi viện cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

                    Xuân 2002

   K.Q














[1] Bài đăng trên Báo Tiền phong Chủ nhật số 9, ngày 3-3-2002, nhân dịp Chủ tịch Giang Trạch Dân sang thăm Việt Nam.


[2]  Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam  tại Bắc Kinh, nguyên Giám đốc NXB Quân đội.


1 nhận xét:

  1. Chú Đoàn Sự là em trai chú Lê Trọng Nghĩa. Chú có thời gian công tác tại Tùy viên Quân sự VN tại Bắc Kinh. Trước khi nghỉ hưu là Giám đốc NxB Quân đội.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.