Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Chuyện nhà tôi


CHUYỆN NHÀ TÔI

Trần Kháng Chiến


Cha mẹ tôi sinh được tám người con. Bạn bè thân thiết của cha mẹ khi đến chơi khó nhớ một lúc hết tên cả tám đứa, thường nói đùa: ”Khiếp! Ông bà mắn quá!“. Vào những năm bắt đầu có “chính sách sinh đẻ có kế họach” thì chúng tôi, dù còn lít nhít nhưng cũng lớn dần trước mắt mọi người, thường được các chú các cô lấy ra làm ví dụ về việc đẻ nhiều con. Thế hệ các cụ nhà nào cũng đông con, nhưng gia đình tôi vẫn chiếm “kỷ lục”. Và cha mẹ tôi luôn vui vẻ, tự hào về điều đó. Mọi người coi nhà tôi là một tiêu biểu về gia đình hạnh phúc. Chúng tôi cũng cảm thấy tự hào vì cha mẹ có một tình yêu rất đẹp, khá đặc biệt, được thử thách trong cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ, vinh quang.



Mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Ức, sinh năm 1920 tại thôn Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình, trong một gia đình trung nông. Ông ngọai tôi là thầy đồ dạy chữ nho tại nhà, cụ mất khi mẹ tôi còn nhỏ. Bà ngoại ở vậy nuôi con. Năm 1936, mẹ tôi tích cực tham gia các họat động của Hội Ai hữu trong Mặt trận Dân chủ tại quê nhà. Mẹ tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản vào năm 1939. Ở tuổi thanh niên, mẹ tôi xinh gái, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tự tin, nhiều gia đình khá giả đã đánh tiếng với bà ngọai xin đón mẹ tôi về làm dâu. Mẹ tôi đã giác ngộ, muốn được giải phóng khỏi những ràng buộc phong kiến vốn rất nặng nề trong khuôn khổ xã hội làng xã, vốn lạc hậu so với nhận thức của bà nên đã đề nghị tổ chức cho thoát ly. Được chấp thuận, đầu năm 1940, mẹ tôi bí mật thoát ly gia đình, sang họat động tại Hà Nam, Ninh Bình và trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp (cách gọi này có từ thời kỳ bí mật).

Năm 1940, cha tôi tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, cuối 1941 được Xứ ủy phân công phụ trách Liên C (Hà Nam , Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình). Và cha, mẹ tôi đã gặp nhau.

Cha tôi tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, hơn mẹ tôi 13 tuổi. Năm 1927, theo lời khuyên của đồng chí Tống Văn Trân, ông ký hợp đồng vào Nam Bộ tham gia “Vô sản hóa“, làm công nhân cho đồn điền cao su Phú Riềng. Ông tích cực tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân cao su. Trong những ngày tháng sôi động đó, ông gặp một nữ công nhân tích cực, tên là Tý, quê ở Kiến An. Hai người yêu nhau. Sau cuộc đấu tranh của 5000 công nhân cao su Phú Riềng, đầu năm 1930, cha tôi bị bắt, bị kết án và đày ra Côn Đảo. Khi ngồi ở khám lớn Sài Gòn chờ ra tòa, cha tôi có nhận được tin nhắn vào: bà Tý đã sinh con trai, đặt tên là Việt. Suốt những năm tháng tù đày tại Côn Đảo, ông không có tin tức gì về mẹ con bà Tý.

Năm 1936, cha tôi đựơc trả tự do nhưng bị trục xuất ngay về quê chịu quản thúc, không được trở về Nam Bộ tìm vợ con. Sau ngày cách mạng thành công, cha tôi nhờ nhiều bạn bè trong Nam Bộ tìm kiếm tung tích mẹ con bà Tý nhưng không có kết quả. Về quê sau những năm bị đày ra Côn Đảo, đối với hào lý tại địa phương, cha tôi là một phần tử nguy hiểm, cần quản thúc chặt chẽ; với cộng đồng công giáo trong làng, cha tôi lá người bi Nhà thờ rút phép thông công, cuộc sống của ông rất khó khăn. Ông đã xây dựng gia đình với một người phụ nữ cùng quê. Các giao thông Xứ ủy như Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Hằng, Lê Đông khi về Bình Lục bắt liên lạc với cha tôi đều được bà giúp đỡ chu đáo. Họ cho biết bà là người hiền lành, tốt bụng. Do sức khỏe yếu, bà mất vào năm 1939. Cuối năm 1939, cha tôi cũng bí mật thoát ly.

Vậy là, trước khi cha, mẹ tôi gặp nhau, cha tôi đã hai lần “lỡ bước sang ngang”, có cuộc sống hào hùng nhưng lận đận.

Mẹ tôi tâm sự với chúng tôi rằng, đối với một nữ đảng viên trẻ mới thoát ly như mẹ tôi thì cha tôi vừa là thượng cấp, vừa là người anh lớn làm bà khâm phục. Bà coi ông như thần tượng vì ông có một quá trình đấu tranh cách mạng rất oanh liệt. Cha tôi là người cởi mở, vui tính, được đồng chí, bạn bè, quần chúng yêu quý. Trong công tác, cha tôi rất nghiêm khắc, thẳng thắn song sống rất vị tha. Cha tôi truyền lại cho mẹ tôi nhiều kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong nhiều năm đấu tranh cách mạng. Trong cuộc sống của những chiến sỹ cách mạng thời kỳ bí mật, ngoài việc ngày đêm bám sát phong trào, củng cố cơ sở, phát triển Đảng, thì cón luôn phải đối phó, chống lại mọi mưu toan đàn áp, truy bắt của kẻ thù để tự bảo vệ mình. Họ cũng có những khoảng thời gian sống như những con người bình thường, có tình bạn, tình yêu.

Cha, mẹ tôi ban đầu là những đồng chí, không vướng bận gia đình, có cảm tình với nhau. Là nữ đảng viên trẻ, mẹ tôi rất mến cha tôi nhưng trong lòng còn băn khoăn vì thấy cha tôi lớn tuổi hơn nhiều, lại là dân công giáo (muốn nói đến sự khác biệt giữa lương, giáo) và đã từng có gia đình... Nhưng rồi cuối cùng những suy nghĩ đó không cản trở hai ông bà đến vơi nhau sau một sự kiện quan trọng. Vào một ngày cuối năm 1942, cha tôi nói với mẹ tôi một câu thật mộc mạc: “Chị Tân, tôi với chị kết hợp nhé!“. Sự “kết hợp” kỳ diệu đó dẫn đến việc hình thành một gia đình, dẫn đến sự ra đời của tám chị em tôi. Những người bạn thân thiết chứng kiến, vun vào cho mối nhân duyên đó là ông Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), bà Hà Thị Quế, ông Vũ Thơ, anh em nhà ông Phan Long, Phan Vân...

Trong những năm tháng đó, mật thám Pháp và bọn tay sai treo thưởng rất lớn cho việc tố giác, bắt được ông Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Phu. Trong danh sách truy nã có cả mẹ tôi. Do vậy cha mẹ tôi hết sức cảnh giác. Tình yêu của cha mẹ tôi chỉ được bảo đảm bằng sự thông cảm, luôn hướng về nhau. Họ luôn lo lắng cho sự an toàn của nhau.

Công tác cách mạng rất bận rộn, nay đây mai đó, cha và mẹ ít khi có được những giây phút quý báu bên nhau của những người đang yêu.

Ngày 24 tháng 12 năm 1943, trên đường từ Nam Định sang Thái Bình, cha tôi bị mật thám Pháp bắt. Ngay sau khi ông bị bắt, hàng loạt hệ thống cơ sở bí mật phải thay đổi, mẹ tôi phải chuyển vùng họat động. Bà chỉ được biết tin cha tôi bị đưa về Ninh Bình, Hà Nam rồi bị kết án 20 năm tù. Thời gian lặng lẽ trôi đi, mẹ tôi nén đau thương lao vào công tác. Bạn bè cùng hoạt động động viên bà rất nhiều. Đầu năm 1944, ông bị chuyển về nhà tù Hỏa Lò. Sau cuộc vượt ngục cùng hơn 100 tù chính trị, ông bắt liên lạc với Xứ ủy và được giao nhiệm vụ phụ trách củng cố, phát triển chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, chuẩn bị Tổng khời nghĩa. Vậy là cha mẹ tôi gặp lại nhau sau hơn một năm xa cách. Khi gặp nhau mẹ tôi khóc rất nhiều; bà khóc vì mừng, vì tủi, vì hạnh phúc được gặp lại người yêu từ cõi chết trở về. Khi lớn chúng tôi được cha mẹ kể lại sự kiện này và coi sự xa cách trong điều kiện vô cùng khó khăn là thử thách cao nhất cho tình yêu, hạnh phúc sau này. Với sự chứng kiến của một số bạn bè đồng chí gần gũi, cha mẹ tôi tuyên bố thành vợ chồng. Sự kiện quan trọng này được tổ chức đơn giản tại một gia đình cơ sở ở Ninh Bình, vào cuối tháng 3 năm 1945.

Ngay sau ngày cưới, cha mẹ tôi ở bên nhau được ba ngày trọn vẹn. Do yêu cầu của phong trào cách mạng, họ lại tạm chia tay, mỗi người một việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Tháng 5 năm đó, cha tôi về Thường vụ Xứ ủy, mẹ tôi được điều động sang bổ sung cho Hưng Yên.

Tại Hưng Yên, cha tôi đưa mẹ về chào cha mẹ đẻ tại thôn Phúc Tá, huyện An Thi. Mẹ tôi về nhà chồng lần đầu tiên trong một hòan cảnh vô cùng đặc biệt: đúng vào những ngày giáp hạt năm Ất Dậu. Nạn đói đe dọa từng gia đình. Ông bà tôi rất nghèo, ăn không đủ no, mặc thì rách rưới, ở trong một túp lều. Tuy nhiên hai cụ rất vui vì được gặp mặt con dâu. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó để lại cho ông bà tôi, mẹ tôi những ấn tượng tốt đẹp về nhau. Mẹ tôi nhớ mãi lần về nhà chồng dạo đó. Khi nằm bên nhau, mẹ tôi báo tin mừng bà đã có mang. Cả hai mừng rỡ, cùng vững tin trong tương lai không xa đứa con đầu lòng sẽ không còn phải sống kiếp nô lệ. Trong đêm đó, cha tôi dặn mẹ tôi cần chuẩn bị gấp việc cướp kho thóc của Nhật chia cho dân, cứu đói. Mẹ tôi coi lời dặn của cha tôi như chỉ thị của Xứ ủy. Bà đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo nhân dân cướp kho thóc ở Kim Động, chia cho nhân dân. Khí thế cách mạng tại Hưng Yên lên rất cao, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào Việt Minh. Tháng 8 năm 1945, cha tôi tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, còn mẹ tôi tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại Kim Động, Hưng Yên – Đó cũng là “nét son đặc thù” rất đáng nhớ và đáng trự hào trong gia phả của gia đình tôi.

Tháng 11 năm 1945, mẹ tôi sinh con gái đầu lòng đặt tên là Yên Hồng (Cờ hồng bay trên đất Hưng Yên). Mẹ tôi cũng đổi tên mới là Nguyễn Thị Hưng để kỷ niệm những ngày họat động sôi nổi ở Hưng Yên. Sau cách mạng, mẹ tôi về Tỉnh ủy, làm Chủ tịch phụ nữ. Cha tôi được giao nhiệm vụ phụ trách Trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn. Cha mẹ có điều kiện ở gần nhau hơn. Mẹ tôi đã về quê chồng, cha tôi củng đã về thăm quê vợ. Do yêu cầu công tác nên mẹ tôi phải gửi chị Yên Hồng cho một gia đình cơ sở là ông bà Lê Đình Tám tại thị trấn Bần, Hưng Yên.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào tối 19 tháng 12 năm 1946, mẹ tôi ở cạnh cha tôi tại nhà trường đóng ở thị xã Sơn Tây. Trường phải sơ tán, mẹ tôi sinh tôi vào tối 24 tháng 12 tại huyện Quảng Oai. Với niềm tin vào chiến thắng, cha mẹ tôi đặt tên tôi là Trần Kháng Chiến. Năm 1947, khi tôi được gần 1 tuổi thì mẹ tôi bị viêm màng não nặng. Cha tôi lúc đó bận công tác tại các đơn vị chiến đấu nên tôi được gửi cho một người bạn nuôi giúp. Ông Lê Đức Thọ, vốn là bạn tù của cha tôi tại Côn Đảo, lúc đó công tác tại cơ quan Trung ương, đã tìm cách nhắn cha tôi về nhà gấp. Khi cha về đến nơi thấy mẹ tôi đang trong trạng thái hôn mê. Ông ôm mẹ tôi vào lòng rồi bật khóc. Bạn bè đã dành cho cha mẹ tôi sự giúp đỡ vô cùng quý báu. Bác Cả Nguyễn Lương Bằng, phụ trách kinh tế của Đảng, đã dành một ít trong số thuốc rất quý hiếm do nhân dân Hà Nội gửi ra chiến khu Việt Bắc biếu Trung ương cho mẹ tôi. Nhờ thế mẹ tôi dần tỉnh lại. Thật là may khi có cha tôi về chăm sóc, mẹ tôi qua khỏi cơn hiểm nghèo.

Những này đầu kháng chiến rất gian khổ, thiếu thốn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh mẹ cũng chẳng có gì bồi dưỡng ngoài bí đỏ. Vì vậy nước da mẹ tôi chuyển sang màu vàng. Sau này cứ nhìn thấy bí đỏ là mẹ tôi lại nôn nao. Bạn bè của cha mẹ có gì giúp nấy, rất ân tình... Mẹ tôi kể lại, cha tôi lúc đó là Phó bí thư Quân ủy, thường có dịp được lám việc với Bác Hồ. Khi biết mẹ tôi ốm nặng, Bác đã gửi cho mẹ tôi cặp nhung hươu do đồng bào dân tộc biếu. Được gia đình chăm sóc cùng sự động viên, hỗ trợ quý báu của bạn bè, đồng chí, vốn lại là một nông dân khỏe mạnh nên mẹ tôi mau chóng hồi phục, trở lại với cuộc sống bình thường, vừa công tác vừa chăm lo chồng con.

Sau đó, mẹ tôi về Thái Nguyên làm bí thư Phụ nữ tỉnh. Cuộc sống ổn định, cha mẹ tôi đón ông bà nội cùng gia đình cô tôi lên Việt Bắc. Ông bà, cô chú tôi vốn là những nông dân cần cù, yêu quý đất đai, đã cùng nhau bỏ công sức khai phá đất hoang, tăng gia sản xuất nên cuộc sống cũng tạm ổn. Đây là thời gian gia đình tôi “tam đại đồng đường”, sống hòa thuận với bà con dân tộc. Mẹ tôi có điều kiện hiểu biết sâu hơn về cuộc sống tinh thần, tập tục của người công giáo. Cha mẹ tôi tôn trọng tín ngưỡng của ông bà, cô chú. Khi ấy tôi nhỏ nhất, được mọi người đùm bọc thương yêu.

Năm 1950, quân dân ta chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng biên giới. Cha tôi cùng ông Lê Thiết Hùng được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách Trường Lục quân Việt Nam đóng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Khi hành quân sang Vân Nam, cha mang tôi theo, lúc mới 5 tuổi. Đến Vân Nam, cha tôi bận công tác nên tôi được gửi vào nhà trẻ nội trú (Thác Nhĩ Sở) dành cho con cái cán bộ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tại thành phố Côn Minh. Tôi mau chóng hòa nhập với cuộc sống mới với lũ trẻ con Trung Quốc, mau chóng nói sõi tiếng Trung Quốc. Tôi sống xa gia đình, ở tập thể khi còn quá bé nên rất hiếu động, nghịch ngợm, không để ai bắt nạt. Có lần đánh nhau làm các cô giáo phải phiền lòng. Lâu lâu khi lên Côn Minh công tác, cha tôi vào thăm và đón về ở với cha ít ngày. Đó lá những giờ phút sung sướng nhất của tôi. Tôi được cha kể cho nhiều truyện thần thoại Việt Nam như: “Thánh Gióng”, “Au Cơ - Lạc Long Quân”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Nỏ thần”, “Dưa hấu An Tiêm “… Tôi nhớ như in những câu chuyện do cha kể. Sau này tôi lại kể cho các con, cháu trong nhà.

Dù lúc đó mới có mình tôi, lâu lâu cha con mới gặp nhau, nhưng ông rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ tôi. Có một lần, khi được đón về chơi, tôi thấy trong phòng có một lọ đường. Cha tôi thì đi vắng. Tôi đã ăn vụng đường nhưng do thiếu kinh nghiệm “xóa dấu vết” nên cha tôi phát hiện ra ngay. Tôi rất sợ, đã nói dối loanh quanh. Cha tôi bắt nằm sấp rồi đánh cho một roi lằn đít. Tối đó, ông ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng xoa vào mông còn lằn vết roi và dạy tôi rằng: nếu có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi, không được nói dối. Đó là bài học đầu tiên trong thời nhi đồng của tôi.

Năm 1951, để hợp lý hóa gia đình, cấp trên điều động mẹ tôi vào quân đội, về Phòng Chính trị Trường Lục quân Việt Nam. Cũng năm đó, mẹ tôi sinh em Trần Thắng Lợi. Do sức khỏe mẹ tôi khá lên, sinh họat dễ chịu hơn nên em Lợi rất khỏe và kháu, có nước da trắng hồng, ăn no ngủ kỹ, rất ngoan. Cha tôi mừng lắm, gọi em Lợi là “đứa con chính cống”. Tôi có lúc tủi thân vì thấy mình không còn được cưng chiều như xưa. Mẹ tôi không bằng lòng vì sự thiên vị này, thỉnh thoảng bà lôi cả chuyện cũ trách ông đã quá nặng tay đối với tôi vì tội ăn vụng đường. Cha tôi cười, ôm hai anh em vào lòng, nói: “Có nghiêm thế, sau này con nó mới thành người”. Khi Lợi lẫm chẫm biết đi, mỗi khi được đón về nhà, tôi loanh quanh chơi với em cả ngày.

Khi em Lợi gần hai tuổi, vào ngày 19 tháng 12 năm 1952 tại Quân y viện của Quân giải phóng Trung Quốc ở Côn Minh, mẹ tôi sinh em thứ tư. Cha mẹ đặt tên em là Trần Kiến Quốc. Lúc đó tôi mới tròn 7 tuổi. Trong kí ức của tôi còn giữ lại hình ảnh em Quốc tròn quay, rất ngoan, ăn ngủ khỏe. Năm ấy, cô Nguyễn Thị Tâm, 45 tuổi, một Việt kiều được Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh giới thiệu đến giúp gia đình, chăm sóc các em. Cô gắn bó với gia đình tôi như người nhà. Cô đặc biệt quý em Quốc, em cũng suốt ngày tha thẩn bên cô. Cô Tâm là người Thái Bình, hồi trẻ lưu lạc lên Yên Bái kiếm sống; từ đây cô lên Lào Cai, sau đó theo đường sắt sang Vân Nam. Tuyến đường sắt Hà Nội-Côn Minh thuộc Công ty hỏa xa Đông Dương của Pháp. Trên tuyến đường này có nhiều công nhân Việt Nam làm việc. Họ quần tụ lại, gắn bó với nhau thành một cộng đồng. Cô Tâm được tổ chức giới thiệu đến nhà tôi vì trong nhiều năm cô tham gia tích cực vào các họat động ủng hộ kháng chiến của cộng đồng người Việt. Do cô không có gia đình nên yên tâm gắn bó với gia đình tôi hơn 50 năm. Cô mất vào năm 2002. Anh em chúng tôi đưa cô về an táng tại quê nhà Quỳnh Côi, Thái Bình.

Còn một người nữa gắn bó với gia đình là chú Phạm Hữu Phú. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chú được cấp trên phân công bảo vệ, cần vụ cho cha tôi. Trước cách mạng, chú đăng lính khố đỏ, đóng tại Thái Nguyên. Chú nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nên được đào tạo thành đầu bếp. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chú cùng nhiều anh em vác súng theo Việt Minh, trở thành chiến sỹ giải phóng quân. Sau cách mạng Tháng Tám, chú tham gia bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, chú theo cha tôi như hình vơi bóng. Trong công việc họ là đồng chí, trong đời thường họ là anh em. Ông bà nội tôi nhận chú làm con nuôi. Hồi chúng tôi còn bé, mỗi khi cần đến cái uy của đàn ông trong nhà để dạy bảo bọn trẻ, cô Tâm thường phải nhờ đến tên chú. Chúng tôi ai cũng sợ uy của chú nên không dám nghịch ngợm quá trớn. Năm 1956, chú phục viên về Tuyên Quang làm ăn. Năm 1959, khi cha tôi sang Trung Quốc làm Đại sứ, ông lại gọi chú về Hà Nội rồi cùng sang Trung Quốc. Chú phục vụ cha tôi cho đến khi ông qua đời. Cả nhà tôi biết ơn chú vì chú đã chăm sóc chu đáo cuộc sống của cha tôi, để ông yên tâm làm việc trong những năm tháng xa mẹ tôi, xa gia đình. Chú quý cha mẹ tôi như anh chị ruột và thương chúng tôi như con cháu. Chú Phú mất năm 1996, an táng tại thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, thọ 77 tuổi. Hai em Hữu Nghị, Việt Trung thay mặt gia đình đưa chú về nơi an nghỉ cuối cùng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trường Lục quân Việt Nam chuyển từ Vân Nam sang đóng tại thành phố Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây. Cha mẹ tôi xin ông bà Tám cho đón chị Hồng về đoàn tụ với chúng tôi. Tôi và chị Hồng được gửi vào học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam. Tháng 7 năm 1954, mẹ tôi sinh em thứ năm tại Nam Ninh, cha mẹ tôi đặt tên cho em là Trần Thành Công. Tháng 10 năm 1955, em trai thứ sáu ra đời, được đặt tên là Trần Hữu Nghị. Niềm vui của cha mẹ tôi được nhân lên gấp bội khi vào tháng 10 năm 1956, em thứ bảy sinh tại Quế Lâm là con gái, tên em là Trần Hạnh Phúc.

Tối 22 tháng 8 năm 1959, mẹ tôi đang ngủ thì chuyển dạ. Khi đó gia đình tôi ở tại khu tập thể quân đội 38 Trần Phú (Hà Nội). Thấy vậy tôi vội nhảy rào sang Viện quân y 354, gõ cửa nhà bác sỹ Hiến, Phó giám đốc. Chú Hiến cho xe cấp cứu đưa mẹ tôi đến Quân y viện 108. Tại khoa sản, bác sỷ Cẩn (trưởng khoa) đã đỡ cho mẹ tôi. Sáng sớm 23 tháng 8, em trai thứ tám của chúng tôi đã chào đời. Để ghi nhớ quan hệ hữu nghị Việt-Trung, ghi nhớ thời gian cha tôi làm Đại sứ tại Trung Quốc, cha mẹ đặt tên em là Trần Việt Trung.

Chúng tôi lớn lên bên cạnh mẹ. Cha công tác xa nhà quanh năm, mỗi khi ông có việc về nước là tám chị em chúng tôi lại quây quần bên cha mẹ. Rất vui. Mỗi lần về nhà, cha tôi lại dành thời giờ hỏi han việc học tập của từng đứa, nhất là tôi và chị Hồng. Cha tôi cũng vài lần dự các buổi họp phụ huynh cho tôi. Ông ân cần trò chuyện với các thầy, các cô về việc dạy dỗ học sinh, trao đổi những điều tai nghe mắt thấy trong việc dạy và học tại Trung Quốc. Cha tôi còn gửi tặng trường Lý Thường Kiệt, nơi chúng tôi đang học, những dụng cụ dạy và học mang từ Trung Quốc về. Khi các em tôi cắp sách đến trường cũng là lúc chúng tôi phải kèm các em học tại nhà. Các em tôi đều học khá, ngoan, được thầy cô tín nhiệm, các bạn yêu mến. Em Kiến Quốc ngay từ nhỏ đã có nhiều bạn, sống rất ân tình, chăm chỉ học tập, trong nhiều năm là tấm gương toàn diện cho các bạn cùng lứa. Chị tôi và tôi dù còn là học sinh nhưng thường xuyên gặp các thầy, cô để tìm hiểu về các ưu khuyết điểm của các em, kịp thời nhắc nhở uốn nắn. Mẹ tôi có lúc bận công tác nên chúng tôi đã thay mặt mẹ đi họp phụ huynh cho các em.

Thời gian trôi qua, anh chị em chúng tôi đã trưởng thành. Những năm chống Mỹ, theo nghiệp cha, bốn anh em tôi (Kháng Chiến, Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công) đã nhập ngũ. Rồi cả tám anh chị em đều phấn đấu học xong đại học, trở thành những người có ích cho xã hội.Sinh thời mẹ tôi rất hài lòng, yên tâm về kết quả này.

Tôi là đứa con trai lớn nhất, may mắn thường được cha cho đi theo mỗi lần đến thăm bạn bè thân thiết, gắn bó từ thời kì bí mật như các bác Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Ba Mãng, cô Hà Thị Quế, các chú Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Phan Trọng Tuệ, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Vũ Thơ, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Nguyễn Mạnh Hồng v.v… Mối quan hệ thân thiết, chân tình giữa cha tôi và các chú các bác làm tôi nhớ mãi.

Trong số đó có một người bạn tù Côn Đảo, một chiến sỹ cách mạng kiên cường cuả Nam Bộ - bác Ba Mãng. Tập kết ra Bắc, bác Ba về cơ quan Trung ương làm thường trực. Mùa đông cha tôi mang thêm áo bông cho bác. Bác có cô con gái lớn khá xinh, học ở Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng, được nhiều anh bộ đội Nam Bộ để ý. Bác lo lắng cho con gái, có lần lấy cả xích sắt khóa chị lại trong nhà. Khi cha tôi đến thăm, chị đã khóc và mách với cha tôi. Cha tôi lớn tiếng phê bình người bạn tù có hành vi mất dân chủ với con gái. Bác Ba ôm mặt rồi ôm lấy cha tôi khóc thật to cho vơi bớt sự ân hận. Lúc đó tôi rất lúng túng… Quan hệ chân tình của cha tôi ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình và quan hệ bạn bè, đồng thời trực tiếp hình thành nhân cách của anh em chúng tôi.

Cha mẹ tôi luôn dành cho các gia đình cơ sở cách mạng đã bảo vệ, nuôi nấng, giúp đỡ mình trong thời kì bí mật sự quan tâm, giúp đỡ chu đáo. Con cái của họ được cha mẹ tối lo lắng trong việc tạo dựng sự nghiệp. Cha mẹ tôi dạy rằng phải biết ơn họ, vì chỉ có sự giúp đỡ của họ thì cha mẹ mới có chúng tôi. Tám anh chị em chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy đó. Thế hệ chúng tôi cho đến nay luôn coi các gia đình cơ sở và con cái của họ như người nhà.

Sự phân công việc nhà trong gia đình tôi khá rõ ràng. Các em còn nhỏ chưa đi học thì sống nội trú tại Trại nhi đồng miền Bắc, hàng tuần tôi có nhiệm vụ đón các em về nhà chơi vào chiều thứ bảy. Chị Hồng đi chợ, nấu cơm. Cô Tâm giúp mẹ tôi chăm sóc các em. Đến bữa ăn, cô Tâm chia thức ăn thành sáu khẩu phần, lấy bộ ghế sắt quân dụng chiến lợi phẩm làm bàn ăn, còn bọn trẻ con thì ngồi trên những chiếc ghế gỗ, ăn ngon lành. Ai vào nhà tôi chứng kiến cảnh anh em tôi sinh hoạt đều khen gia đình có nền nếp.

Không như các gia đình cán bộ ngoại giao khác, mẹ tôi không sang Trung Quốc cùng cha dù có tiêu chuẩn. Mẹ tôi có công việc riêng của mình, hơn nữa các con còn nhỏ. Mỗi năm, do công việc, cha tôi vẫn có thời gian có mặt ở nhà.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chị Hồng đang học năm thứ nhất Trường đại học Ngoại giao-Ngoại thương; tôi vừa học xong phổ thông xin nhập ngũ về quân chủng Hải quân. Các em Lợi, Quốc, Công, Nghị vào học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Hai em Phúc, Trung sơ tán tại nhà bác Tư Thủy - cơ sở của Xứ ủy trước cách mạng. Gia đình bác Tư Thuỷ đã nuôi giấu cha tôi trong thời kỳ bí mật, rất gắn bó thân tình với cha mẹ tôi. Mẹ tôi lãnh đạo cơ quan sơ tán xí nghiệp về Hưng Yên, nơi bà từng hoạt động hồi 1945. Địa phương đã hết lòng ủng hộ cơ quan của bà, nên các xí nghiệp mau chóng ổn định đi vào sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Mẹ tôi mấy năm liền được bầu là chiến sỹ thi đua của ngành Ngọai thương.

Khi tôi lên đường nhập ngũ, mẹ tôi định dúi cho 10 đồng nhưng cha tôi không cho. Ông nói: “Con nó đã có phụ cấp do quân đội cấp hàng tháng (binh nhì - 5 đồng). Dù là con tướng, nó cần sống như các anh em, đồng chí khác. Có như thế mới mau trưởng thành”. Những năm tháng phục vụ trong quân đội, tôi luôn cố gắng sống, làm việc như cha tôi mong muốn.

Có một lần cha tôi về nước công tác đột xuất, mẹ tôi lại được Trung ương cho sang nghỉ ở Cộng hoà dân chủ Đức. Hai người không gặp được nhau. Cha tôi đã viết cho mẹ tôi một bức thư, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và ghi nhớ mãi. Thư viết: ”Anh sắp về thì em lại sang Cộng hoà dân chủ Đức, đôi ta cứ như vợ chồng Ngâu. Anh rất nhớ em cùng các con…”.

Thực tế do nhiệm vụ cách mạng, cha mẹ tôi nhiều lúc phải xa nhau nhưng họ rất yêu thương nhau, thông cảm với nhau, chia sẻ cùng nhau. Tình yêu đó chính là nền tảng của hạnh phúc gia đình, nền tảng để anh chị em tôi gắn bó với nhau. Tình yêu đó là tài sản thiêng liêng của chúng tôi và con cháu chúng tôi.

Tp. Hồ Chí Minh, 25-4-2006

T.K.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.