Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bác cấp dưỡng già


BÁC CẤP DƯỠNG GIÀ[1]
Nguyễn Cao Vỹ[2]
Tháng 4 năm 1946, tôi nhận được giấy của Bộ Quốc phòng báo về nhập học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ngày ấy nhà trường ở gần thị xã Sơn Tây. Bọn quân Tưởng Giới Thạch trước đó đóng ở đây, khi rút lui đã để lại những đống rác dơ bẩn khổng lồ, có cả một xác chết đã thối rữa trên một căn gác.

Tôi vừa nộp giấy nhập trường thì lập tức được phân công đi thu dọn đồ đạc trên căn gác hội trường chính. Bước lên thang gác, tôi thấy một ông trung niên, dáng người gầy, da hơi xanh, mặc một quần soóc xanh. Tuy dáng vóc bé nhỏ nhưng ông khiêng một cái giường sắt nặng cùng một thanh niên vạm vỡ mà vẻ mặt vẫn tươi cười. Tôi thầm nghĩ trong bụng: “Ông này chắc có võ?!”.
Mấy hôm sau, tôi được phân công rẫy cỏ, rải thêm đá vụn trên một đoạn đường sát sân vận động. Cán bộ khoán gọn cho mỗi người một quãng, làm xong thì nghỉ. Mùa hè mới 10 giờ sáng mà trời nắng gay gắt. Mệt quá tôi toan bỏ về chỗ ở, nếu có bị kỉ luật thì đành chịu. Vừa lúc đó, cái ông “khiêng giường sắt hôm nọ“ đi tới. Thấy tôi, ông hỏi:“Cậu mệt rồi sao? Mình giúp cậu một tay để buổi chiều còn ra phố chứ!”. Thế là ông cầm xẻng xúc liên tục, trước sự ngạc nhiên của tôi. Được người giúp đỡ, tôi lại làm tiếp tục. Rồi tôi thành thực tâm sự với ông về ý định bỏ trường về Hà Nội vì lao động quá cực nhọc. Nghe vậy, ông kể lại cuộc đời của mình khi còn làm công nhân cao su ở đồn điền Phú Riềng, Nam bộ. Ông nói: “Muốn làm cách mạng phải chịu đựng gian khổ mà bắt đầu từ những công việc hàng ngày…”. Nghe ông khuyên nhủ, tinh thần tôi hăng hái trở lại. Hai anh em làm tích cực đến gần trưa thì xong. Công vịêc phân công được hoàn thành sớm hơn dự định. Tôi cảm động đón lấy cái bình nước uống từ tay ông. Chia tay ông, tôi thầm nghĩ: “Chắc là một bác cấp dưỡng của nhà trường? Nhưng sao bác có tài thuyết phục đến thế?”.
Trong ngày khai giảng ở hội trường lớn, đại diện Bộ Quốc phòng giới thiệu Ban giám đốc nhà trường. Tôi thực sự ngỡ ngàng và không tin ở mắt mình, khi thấy đứng bên cạnh thầy Hoàng Đạo Thuý mà cánh học sinh Hà Nội ai cũng biết, là ông “cấp dưỡng” hôm nào còn khiêng giường, đào đất với tôi… Ông mặc bộ ka-ki mới, đầu đội mũ sao vàng của cấp chỉ huy quân đội. Đó chính là đồng chí Trần Tử Bình, Phó giám đốc Chính trị uỷ viên của trường, người đã từng tham gia lãnh đạo cuộc nổi dậy của 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng chống bọn tư bản bóc lột.
N.C.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.