Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tưởng nhớ cô Tâm (KC)

Cô Tâm (thứ 3 từ trái) cùng cả nhà tiễn Quốc đi bộ đội, hè 1970.
Khi Trường Lục Quân Việt Nam sang đóng quân tại tỉnh Vân Nam vào cuối 1950, cha gửi  tôi lên Côn Minh. Tại Tp có Tổng  Lãnh sự Việt Nam (lúc đó gọi là Biện sự sứ - cơ quan đại diện) do bác Bùi Đức Minh  làm Tổng lãnh sự. Tôi được gửi vào  Thác Nhi sở (nhà trẻ)  chuyên chăm sóc con cái cán bộ cao cấp của  Quân khu Vân Nam. Hàng tháng được đón ra cơ quan Tổng lãnh sự chơi với các bạn Bùi Chiến Thắng, Bùi  Thị Thành, chị Bùi Thị Các con bác Minh. Đến 1951 có thêm anh Hoàng Tùng Nhân, bạn Hoàng Thái Lan từ Thái Lan về. Như vậy ngoài cuôc sống ấu thơ tại vườn trẻ  toàn người Trung Quốc, tôi còn có chút thời gian chơi, nói chuyện tiếng Việt với các bạn Việt Nam tại cơ quan Tổng lãnh sự.  
Năm 1951, mẹ tôi sinh em Trần Thắng Lợi  tại  Bắc Giang. Gần đây được biết bà Phạm Thị Lan - cán bộ Phòng Y tế Bắc Giang, đã đỡ cho mẹ khi đẻ Trần Thắng Lợi - là cô ruột anh Nguyễn Văn Thiềng (bạn cùng đơn vị Hải quân, từng  đến chơi nhà 99 vào những năm 70).

Sau khi sinh Lợi, để hợp lý hoá cuộc sống gia đình, mẹ được tổ chức làm thủ tục chuyển vào công tác vào Quân đội, là cán bộ cấp tiểu đoàn, nhận nhiệm vụ  tại Phòng Chính trị nhà trường (lúc đó chú Lê Chiêu là Trưởng phòng). Năm 1951 nghỉ hè, cha đón tôi về trường, được gặp mẹ sau hai năm xa cách. Tôi mừng lắm,  nay lại có thêm em  Lợi. Như vậy đến 1951 có ba chị em (chị Hồng, Chiến, Lợi). Cha mẹ có  điều kiện gần nhau trong cuộc sống. Tôi hay được đón về chơi với gia đình.  
Ngày 19-12-1952, mẹ sinh Trần Kiến Quốc. Khi được đón về chơi nhà vào đầu 1953, tôi thấy trong nhà có thêm cô Nguyễn Thị Tâm,  chị Sản. Cô lúc đó cô khoảng 40, đầu vấn khăn, răng nhuộm đen. Cha giới thiệu với tôi: ”Đây  là cô Tâm, chị Sản mới về nhà ta“. Từ hôm đó tôi có thêm một người cô (em cha) và chị Sản.
Khi mẹ sinh thêm em Quốc,  vừa làm việc vừa lo việc gia đình khá vất vả. Cha đề nghị  Tổng Lãnh sự Việt Nam thông qua Hội Việt kiều yêu nước tại Vân Nam tìm cho hai người giúp việc để coi hai em Lợi, Quốc. (Có lẽ  việc lấy thêm người  (biên chế) về trường không khó, cái khó  là ở  chỗ  phải chọn người tin cậy, bảo đảm bí mật của nhà trường khi đóng tại Vân Nam).
Cô Tâm là người Quỳnh Côi, Thái Bình. Cô từng lên Yên Bái buôn bán hàng xén. Cô từng có gia đình, là vợ lẽ của một chủ thầu xây dựng. Sau này khi gia đình ta về 99 Trần Hưng Đạo, các con của nhà chồng có đến thăm cô. Cty đường sắt Đông-Pháp là chủ sở hữu cũa tuyến đường sắt Hà Nôi-Côn Minh. Để bảo trì tuyến đường sắt này, Cty tuyển nhiều lao động người Việt. Khi cuộc sống gia đình không thuận, cô xin việc tại Sở Đường sắt Yên Bái, nấu ăn cho các đội công nhân bảo trì tuyến đường. Theo công việc  trên tuyến đường sắt, cô lưu lạc sang Vân Nam.  Sau  cách mạng tháng 8-1945, anh chị em công nhân Việt Nam làm việc trên tuyến đường sắt thành lập Hội Việt Kiều yêu nước. Cô tích cực tham gia hoạt động Hội, ủng hộ  Chính phủ lâm thời, ủng hộ Tổng tuyển  cử 1946... Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cô tham gia hoạt động ủng hộ kháng chiến.  Tôi nhớ như in hình ảnh cô luôn chăm sóc em Kiến Quốc từ khi về với gia đình.
Riêng chị Sản khi về nhà ta là thanh nữ, mồ côi cha mẹ. Chị chăm sóc em Lợi. Học viên Trường Lục quân toàn những thanh niên khoẻ, trẻ. Họ luôn để ý đến chị. Do vậy chị không ở lâu  được trong gia đình ta. Việc chăm sóc Lợi lại đến tay cô Tâm. Trong thời gia sống tại gia đình, cha có giới thiệu với cô vài cán bộ của trường, song vì nhiều lý do mà cô không đ bước nửa. Cô sống  như người ruột thịt trong nhà.
Bà Tâm cùng mẹ và cả nhà ra thăm cha ngày chuyển về Mai Dịch, sau 1974.

Bà Tâm quanh năm lo cơm nước cho cả nhà.
Khi nhà trường sang Quế Lâm, cha đón chị Nga (con bác Mỹ) sang giúp mẹ chăm sóc Lợi. Thỉnh thoảng cha đón chị Hồng và tôi về thăm nhà, được ở cùng cha mẹ và các em. Đó là thời gian hạnh phúc nhất khi học tại Trường Thiếu nhi Việt  Nam.  
Trước khi chuyển sang Quế Lâm, mẹ sinh Trần Thành Công vào 1954. Khi đến Quế Lâm, mẹ sinh thêm Trần Hữu Nghị vào tháng 10-1955, đúng một năm sau  tại Hà Nội mẹ sinh Trần Hạnh Phúc. Lúc này mẹ đón chị Côi từ Thái Bình lên giúp mẹ, cùng cô Tâm chăm sóc  các em. Năm 1958, khi chị Hồng và tôi từ Nam Ninh về Hà Nôi thì chị Côi không còn ở nhà ta nữa, việc chăm sóc các em trước khi được vào Vườn trẻ nhi đồng Miền Bắc là cô Tâm. 
Còn nhớ cô rất gắn bó với Kiến Quốc và Hữu Nghị. Khi nhà ta dọn về 38 Trần Phú, mẹ sinh thêm Trần Việt Trung, lúc đó các em Quốc, Công, Nghị, Phúc đang ở Vườn trẻ. Cô Tâm tập trung chăm sóc Việt Trung. Khi mẹ vào học Trường Bổ túc công nông, cô Tâm theo mẹ và Việt Trung vào trường. 
Nhớ lại những  gì cô giành cho gia đình ta cho đến khi các em trưởng thành, mới thấy công lao đó lớn quá, chả khác gì công  dưỡng, dục  của cha mẹ đối với con cái.
Khi chị  Hồng sinh Trường Sơn, chị Hà sinh Việt Dũng, bà Tâm lại dành thời gian, tâm trí  đỡ cho các mẹ. Đến khi  Vượng sinh cháu Hùng lại có tay bà, cũng như khi Phúc sinh cháu Quân. Bà còn bế cháu Nguyệt Minh  giúp cho Nguyệt, cháu Long  đỡ  cho  mẹ Hoà.
Các thế hệ nhà 99 thật hạnh phúc khi có một người cô, người bà "ruột thịt hơn cả ruột thịt" như cô Nguyễn Thị Tâm.

2 nhận xét:

  1. Ngoài gia đình ta còn có: chị Mỹ và cháu Bắc Hải, bác Tư gái và Thắng (Vạn Phúc), chú Phạm Hữu Phú (cần vụ cho cha), anh Lý Tân Hoa (con bác Lý Ban).

    Trả lờiXóa
  2. Mai Dịch ngày cha chuyển về vắng lắm, chủ yếu là mộ LS. Cùng cha và chú Khang (từ Văn Điển) có bác Hoàng Văn Thụ (từ Hoàng Mai), Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chánh, Nguyễn Sơn (từ Hà Đông) chuyển về.
    Nay thì đầy kín, gần hết chỗ. Các cụ đi cả.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.