Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Nhớ đồng chí Trần Tử Bình...

Chú Nguyễn Thọ Chân
NHỚ ĐỒNG CHÍ TRẦN TỬ BÌNH
TRONG ĐẠI GIA ĐÌNH CỘNG SẢN

Nguyễn Thọ Chân,
nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH.






“Từ thuở quăng thân vào gió bụi”[2], thuở nước mất nhà tan, phải từ biệt gia đình nghèo khổ thân yêu, tưởng đời mình chỉ toàn đắng cay trong cái nhà tù mênh mông là Tổ quốc bị xâm chiếm… Vậy mà tôi đã được hưởng biết bao sự thương yêu đùm bọc của đồng chí, đồng bào tuy cũng rất nghèo khổ. Hoạt động bí mật với vô vàn hiểm nguy, mỗi lần đồng chí chúng tôi gặp nhau là mừng rỡ, xoắn xuýt lấy nhau, thân thiết hơn cả ruột thịt, chia sẻ với nhau từng cái bánh, đồng xu.




Đặc biệt những năm đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn phản động thuộc địa phát xít hóa, rồi đầu hàng Nhật ở Đông Dương, nhất là sau những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương thất bại, địch khủng bố rất dã man. Hàng nghìn đảng viên, hàng vạn hội viên các tổ chức cách mạng bị chém giết, tù đày. Tổ chức Đảng và các đoàn thể bị tan vỡ. Nếu còn lại, hoạt động cũng rất khó khăn, nhiều nơi mất liên lạc dài ngày; phải luôn luôn cảnh giác, đi lại, quan hệ với nhau phải rất thận trọng, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tổ chức. Trung ương Đảng đóng ở trong Namđã bị bắt trước và trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đến năm 1941, Trung ương lâm thời thành lập ở Bắc Kỳ do Trường Chinh làm Tổng bí thư cùng Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, thành Thường vụ Trung ương lãnh đạo cả nước.

Những người Cộng sản còn lại, bất chấp hiểm nguy vẫn chắp liên lạc với nhau, vẫn tập hợp quần chúng trong các đoàn thể cứu quốc và các tổ chức biến tướng công khai. Chúng tôi liên tiếp nhận được tin nơi này nơi khác bị địch khủng bố, cán bộ và cơ sở cách mạng bị bắt, nhiều đồng chí kiên cường chịu đựng tra tấn, có đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thời đó các cuộc hội họp đều cắt người canh gác cẩn mật, có khi tới mấy chặng gác để truyền tin. Vậy mà mật thám bắt cách mạng như vồ ếch.



Giữa năm 1942, tôi phụ trách tỉnh Hà Đông - một trong những tỉnh đông dân nhất thời đó, có tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng tương đối khá. Một hôm, đồng chí Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) bảo tôi: “Phi[3]này, cần phải phát triển tổ chức và đẩy mạnh phong trào ở giáp ranh hai tỉnh Hà Đông và Hà Nam, để biến đây thành vùng căn cứ an toàn. Sẽ có cuộc hội ý giữa anh và anh Minh[4], phụ trách Hà Nam, để bàn việc này.” Rồi chúng tôi hẹn gặp nhau tại nhà cụ Hoàng Văn Duyệt ở làng Yên Trường, huyện Chương Mỹ; nơi có chi bộ mạnh, có nhiều cán bộ trung kiên, có cơ sở quần chúng đông, có đồng chí ở tù Sơn La mới về. Còn các làng xung quanh cũng đã có tổ chức cứu quốc. Bên Hà Đông có các huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức, nam Phú Xuyên. Vùng giáp ranh hai tỉnh là vùng đồng trũng rộng.

Chúng tôi gặp nhau vào một buổi chiều muộn. Những tia nắng hanh cuối cùng trong ngày xiên qua luỹ tre ngoài vườn. Các anh đến khi tôi đang lên cơn sốt rét do muỗi độc vùng Lương Sơn, Hoà Bình. Nhiều người bệnh, lá lách sưng to, bụng như cái thúng. Tôi đắp chăn bông, người run cầm cập dù trời mới cuối thu, mùa gặt đã gần xong. Không thể ngồi dậy để tiếp Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình, tôi chỉ hơi nhổm người thò tay ra nắm lấy tay các anh. Cả hai ngồi xuống cạnh tôi, đặt tay lên chăn thấy người tôi run lên bần bật, đều nói: “Sốt nặng quá!”. Hình như họ đều đã trải qua cái bệnh này, rồi cả hai thay nhau nằm ôm lấy tôi cho đỡ run. Cụ chủ nhà nấu cho bát cháo tía tô, còn cụ bà chạy loanh quanh với vẻ lo âu. Hoạt động bí mật, náu nhờ nhà bà con nghèo, một viên kí ninh cũng không có. Năm đó tôi mới 20 tuổi. Những quan hệ thắm tình cách mạng như thế liên tiếp đến với tôi, phá tan đi cái suy nghĩ trước đó là không thể tìm đâu ra sự âu yếm, chăm sóc như của cha mẹ, gia đình.

Sau vài giờ, cơn rét dứt nhưng miệng đắng ngắt, người mệt nhoài. Ăn tô cháo nóng có trứng xong, tôi cố ngồi dậy thảo luận nhưng hai anh ấn tôi nằm xuống và ngồi cạnh giường bàn việc. Hai anh đều là bậc trưởng thượng. Nhiều người gọi anh Việt là “cụ Quận” (bí danh của anh). Tôi nhớ hôm đó anh Bình mặc áo dài the, cổ đã sờn và hơi ố vàng, đầu đội khăn xếp đã cũ. Anh trông đứng tuổi, có lẽ đã 35 hay 37. Giọng anh ôn tồn và rõ. Cuộc trao đổi dễ đi tới nhất trí về yêu cầu và cách làm nhưng không dễ liên hệ về mặt tổ chức vì nguyên tắc bí mật. Gặp nhau như thế này thời đó có lẽ rất ít nếu không có sự tin cậy đặc biệt. Sau khi bàn luận, chúng tôi triển khai ngay những điều đã thoả thuận.

Nhưng chỉ được ít tháng, vào cuối năm 1942, Thường vụ Trung ương lại điều tôi ra phụ trách Hà Nội. Có lẽ vì tôi có mấy năm theo học trung học ở Hà Nội và hoạt động thanh niên dân chủ ở đó. Đồng chí bí thư cũ của Hà Nội được điều đi công tác khác. Tổ chức cách mạng ở Hà Nội liên tục bị vỡ. Cứ mấy tháng lại có một bí thư Thành uỷ mới. Về làm bí thư ở Hà Nội, tôi không dám ở nhà nào, đành phải đi ở đợ làm thằng quít cho một gia đình ở phố Hàng Bông (gần nhà ông Dương Quảng Hàm), với tiền công một đồng bạc một tháng, cơm nuôi. Vài tháng sau mới được một người cùng làng, làm thợ sơn mài, cho ở cùng. Nhưng rồi tháng 3 năm 1943, cả Thành uỷ, có ba người, đều bị bắt. Riêng đồng chí Chuẩn“muỗi”[5], thành uỷ viên, được thả ra vì chúng tôi nhất định không nhận anh. Còn tôi bị truy nã đã lâu, bọn mật thám đã có ảnh nên không thoát được. (Nhưng cũng chỉ hơn ba tháng sau, Chuẩn “muỗi” cũng bị bắt cùng anh Hoàng Văn Thụ).

Quãng tháng 9 năm 1943, tôi thấy đồng chí Phan Trọng Tuệ mà tôi đã hoạt động chung từ năm 1940, bị giải từ Sở mật thám sang nhà tù Hỏa Lò. Nghe anh nói bị bắt ở Hà Nam, tôi hỏi “Minh có sao không?” thì được trả lời anh Minh chạy thoát được. Tôi đã mừng. Sau này được biết vào cuối năm 1943, anh Trần Tử Bình cũng bị bắt. Sau đó tôi và anh Phan Trọng Tuệ cùng bị đày ra Côn Đảo.

Thời kì bí mật, cùng hoạt động nhưng chỉ biết bí danh chứ không biết lai lịch của nhau. Qua những lần trao đổi, tôi thấy anh Trần Tử Bình rất trung thực, từ tốn nhưng rất sôi nổi, nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy anh vẫn rất tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tôi.

Tháng 1 năm 1950, khi tôi từ Nam Bộ ra Việt Bắc, hai chúng tôi mới gặp lại nhau tại Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ 3 của Đảng. Biết được anh đã được phong hàm Thiếu tướng quân đội lớp đầu tiên[6]. Khi nghiên cứu các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, tôi mới dần biết quá trình chiến đấu oanh liệt của anh. Năm 1960 tại Đại hội lần thứ III của Đảng, hai chúng tôi và Phan Trọng Tuệ đều được bầu vào Ban chấp hành Trung ương do Bác làm Chủ tịch và đồng chí Lê Duẩn làm Tổng bí thư.

Mùa hè năm 1962, thật là vui khi hai anh em cùng nhiều đồng chí, trong đó có chị Hà Thị Quế, anh Lê Quý Quỳnh, anh Mười Trí, anh Châu, được Trung ương bố trí cho đi nghỉ ở bãi biển Xô-chi (Liên Xô). Gặp nhau trong điều kiện nghỉ ngơi lí tưởng: khí hậu mát mẻ, bãi biển đẹp, nhà nghỉ lịch sự làm anh em nhớ lại những tháng ngày hoạt động bí mật gian khổ, chui bờ chui bụi trốn tránh sự rình rập của kẻ thù, trong đấu tranh kẻ mất người còn. Nay những người còn sống thêm gắn bó và có điều kiện trao đổi, tâm tình với nhau.

Hai chúng tôi, anh trước tôi sau, đều có thời kì làm ngoại giao. Anh thay đồng chí Nguyễn Khang làm đại sứ (đời thứ ba) ở Trung Quốc. Ít năm sau tôi cũng được cử làm đại sứ (cũng đời thứ ba) ở Liên Xô thay đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, sau khi anh Trần Tử Bình đã qua đời. Tôi còn nhớ trong lễ tang anh ở Câu lạc bộ quân đội, Bác Hồ đã đến viếng. Bác với vẻ mặt đau buồn và ôm lấy chị Trần Tử Bình, an ủi.

Khi anh làm Đại sứ ở Trung Quốc, mỗi lần về họp Trung ương, chúng tôi có dịp chuyện trò về thời thế với thái độ hết sức tin cậy lẫn nhau. Thời ấy ở Trung Quốc đã có những biến động lớn về chính trị, xã hội. Hai chúng tôi đều có chung thái độ là: ta đang chống xâm lược Mỹ, còn họ là đảng lớn, ta không thể khuyên can gì. Đối với các nước lớn đi trước ta, tâm lí rất phức tạp, ta giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tránh được sức ép, giải quyết tốt vấn đề cách mạng Việt Namđã là may mắn lắm rồi. Còn mỗi Đảng phải chịu trách nhiệm trước dân tộc mình. Ấy vậy mà có người vẫn chưa hiểu nỗi lòng của Trần Tử Bình!

Quan hệ giữa cán bộ và đảng viên, giữa đảng viên và quần chúng cái thời “lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da”[7]ấy sao mà đậm đà, thắm thiết! Ở tù khi biết mình sắp chết còn cởi áo để lại cho anh em. Chính tình cảm gắn bó ấy đã giúp nhiều đồng chí chúng ta, trước đòn thù, thà chết chứ không khai. Tới nay gặp lại con cháu các bạn chiến đấu cũ, tôi vẫn dạt dào tình cảm như thấy lại hình bóng người xưa.

Các cháu con anh chị Trần Tử Bình ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn qua lại thăm vợ chồng tôi. Ngày 19 tháng 10 năm 2001, các cháu mời tôi, anh Lê Trọng Nghĩa, vợ chồng nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Đẩu về thăm “Phú Riềng Đỏ” - địa chỉ thân thiết của gia đình. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước và Ban giám đốc Công ty cao su Đồng Phú đã nhiệt tình đón tiếp.




Theo con đường đất đỏ, chúng tôi đến thắp hương tại đài tưởng niệm “Phú Riềng Đỏ”, được xây dựng từ năm 1985 nhân dịp kỉ niệm 10 năm giải phóng miền Nam. Ngày 26 tháng 3 năm 1999, địa chỉ này được Bộ Văn hoá công nhận là di tích lịch sử-văn hoá theo quyết định số 05-QĐ/BT. Ở giữa công viên là tượng đài sừng sững, in lên nền trời xanh biểu tượng “búa và liềm”. Mặt trước tượng đài gắn bia đá với dòng chữ “Tại khu rừng làng 3, đêm 28 tháng 10 năm 1929, có sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập, gồm các đồng chí Phạm Văn Phu (tức Trần Tử Bình), đồng chí Tạ, đồng chí Hồng, đồng chí Hoà, đồng chí Doanh, bí thư đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (tự Vĩnh). Chi bộ lãnh đạo công nhân làm nên Phú Riềng Đỏ anh hùng, phá tan địa ngục trần gian”. Bên phải tượng đài là bức phù điêu mô tả tên chủ Tây cao lớn, đầu đội mũ cối, đang giám sát hai công nhân với thân tiều tụy, mình khoác áo tơi, còng lưng trồng gốc su non. Phía đối diện là hình ảnh những đảng viên đang nắm tay tuyên thệ dưới cờ Đảng, trong đêm 7 tháng 11 năm 1929, nhân kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôi xúc động không cầm được nước mắt. Từ khu vực tượng đài nhìn thấy những cánh rừng cao su non xanh mướt, kéo dài tít tận phía chân trời.

Sau đó chúng tôi được đưa về thăm suối Đá làng 3, nhà truyền thống và boong-ga-lô của chủ nhất. Chúng tôi còn đến thăm xí nghiệp chế biến cao su, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Biết Công ty cao su Đồng Phú đang cổ phần hóa, thấy đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng cải thiện mà lòng tôi bồi hồi xúc động. Giá anh Bình còn sống đến ngày hôm nay!
N.T.C








1 nhận xét:

  1. Hôm rồi nghe tin chú bị tai nạn xe máy, lại thăm thì biết con cháu vẫn phải đèo ông đến bể bơi Lan Anh, bơi hàng tuần: "Không hoạt động là chết, cháu ạ". Lần đó đạo xe sớm đi bơi thì bị tông xe, nay chú đi lại được.
    Cô Hương đã từ bệnh viện về nhà, nhưng nói còn ngượng nghịu.
    Sắp tới TW mời 1 số đ/c ủy viên Khóa 3 ra HN. Ngoài kia còn cụ Giáp, cụ Trần Văn Quang, cụ Hoàng Anh nhưng nằm viện cả; bà Quế, bà Cẩn cũng yếu. May ra còn chú và chú Nguyễn Văn Trân là tạm ổn.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.