Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA NGƯỜI HƯNG YÊN QUA CÁC GHI CHÉP HÁN NÔM VÀ LỄ HỘI TIÊU BIỂU (ST: Thủy Nguyễn)

Nguyễn Văn Chiến

Truyền thống hiếu học và coi trọng trí thức là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt. Ngay từ thuở lập nước thì việc bồi dưỡng nhân tài, xây thành, đắp lũy, thủy lợi, trị an… bao giờ cũng được các bậc quân vương, minh chúa lưu tâm. Bởi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vượng thì thế nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi đi xuống”. Vì thế, từ khi khoa cử ra đời, thời nào cũng có những bậc hiền sĩ, nhân tài xuất hiện giúp sức vào việc củng cố nền thịnh trị của quốc gia, làm rạng danh cho đất nước. Từ đó, những Văn Miếu, Văn bia được dựng nên để lưu danh những hiền nhân. Và ở Hưng Yên cũng vậy, Văn miếu được xuất hiện cũng không ngoài mục đích đó; tôn thờ đạo Nho, lưu danh tiến sĩ. Từ đó,nó trở thành một tượng đài bất tử về tinh thần hiếu học ngàn đời của mỗi người dân Hưng Yên. 
 
          Được biết đến là vùng quê có 4 làng hiếu học nằm trong tốp 10 làng hiếu học cả nước, Hưng Yên đã trở thành vùng quê nổi bật hơn cả về tính hiếu học. Trong Đai Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết về phong tục ở Hưng Yên như sau: “kẻ sĩ gắng học,  nhà nông chăm cày, ưa tiết kiệm, tránh xa xỉ”... Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên có 163 vị đại khoa, đặc biệt ở Hưng Yên truyền thống hiếu học thường theo làng, xã sau đó là đến dòng họ. Đơn cử họ Dương ở Lạc Đạo – Văn Lâm có 1 trạng nguyên và 8 tiến sĩ, Họ Đỗ ở Lại Ốc – Văn Giang, họ Nguyễn ở Thổ Hoàng – Ân Thi, họ Tô ở Xuân Cầu – Văn Giang… Các vị đại khoa ở Hưng Yên cũng đăng khoa từ sớm mở đầu cho nền khoa cử xứ đông  như  Đỗ Thế Diên (1115), hay đỗ đạt khi tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi.
Không chỉ có tính hiếu học mà người Hưng Yên còn rất coi trọng trí thức; điều đó có thể nhận thấy qua hương ước và quy định khuyến học của các làng, xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đơn cử như quy định của các làng:
Qui định về khuyến học ở Lạc Đạo
Năm Bảo Đại thứ năm (1930) các thôn hào đã sửa bản điều lệ cũ, trong đó có một số điều quy định về việc đề cao việc học, khuyến học như sau: 
          Điều 5:  Mệnh bái chủ tế chọn dùng người khoa bảng, chức sắc phẩm hàm rồi mới đến chánh phó tổng tại chức, tiếp đến là các cụ cao tuổi có đức hạnh được ứng tế. Nếu chưa khao vọng thì chưa được tế.
          Điều 8: Người nào có lễ vọng vào tư văn nạp tiền năm đồng. Suy rộng ra từ khoá sinh trở lên đến người có văn bằng tốt nghiệp; người đứng đầu thì từ chánh phó lý, thủ quĩ, thư ký trở lên mới được vọng.
          Điều 10: Người nào thi đỗ cử nhân, tú tài hoặc sĩ hoạn cao đẳng, chánh phó tổng làm khao mừng. Từ thanh hội phải lo làm đối trướng để chúc mừng. Nếu có vị nào tạ thế cũng có lễ phúng 5 đồng bạc.
          Điều 21: Vị chủ tế phải trong hàng khoa mục phẩm hàm rồi mới đến chánh hội, lý trưởng cao tuổi.
          Điều 22: Khoa trường từ tú tài, cử nhân, người học cao, khoa hoạn khao vọng tư văn qui định biếu một đầu lợn, 1 cỗ xôi, 1 bình rượu, 5 quả cau. Rồi đến chánh phó tổng,  mỗi vị được biếu thêm 3 quả cau.
          Điều 24: Khoá sinh từ Hán học sang Tây học mà trúng tuyển  có văn bằng trở lên, khao vọng xong thì được vào sổ tư văn.
          Điều 28: Người nào khoa mục phẩm hàm, được suy tôn ngồi chiếu trên còn như các vị khác theo tuổi tác mà ngồi.
Qui định về khuyến học ở Phú Thị
Theo bản hương ước làng Phú Thị được sao lại y như bản chính ngày 27 tháng 8 năm 1942 để trình tri phủ Khoái Châu, tại điều 31 chương 13 quy định: nhà nào có con trẻ từ 8 tuổi giở lên phải cho ra trường mà học. Lương - Hương sư đã có ruộng học điền đấu giá xung quỹ, cứ đến cuối tháng đến chánh hội mà lĩnh lương, hoặc lên phủ lĩnh. Làng bố trí 8 mẫu 6 sào ruộng Đạo Hạ làm ruộng học điền do Hương Lý đứng ra đấu giá, được bao nhiêu hoa lợi đem sung vào quỹ để chiểu phát cho Hương sư chia làm 12 tháng.
Cũng theo Hương ước của làng, chương 21, điều 53 quy định về thứ vị trong làng: Theo quan chế, những người đỗ đại khoa, trung khoa, tri huyện đến quan nhất phẩm thì dân làng bản tổng, bản xã phải xây dựng cho họ một dinh riêng; khi chết cũng phải lập một cái miếu riêng để thờ
Hương ước cũng quy định: Ông tiến sỹ Tây học (chữ Pháp) ngồi ngang với ông tiến sỹ Hán học (chữ Hán). Ông có bằng tốt nghiệp Cao đẳng cùng các ông kỹ sư chuyên môn ngồi ngang với ông cử nhân chữ Hán. Ông có bằng tốt nghiệp sơ học yếu lược ngồi ngang với ông nhất nhì trường chữ Nho. Việc phân ngôi thứ, bậc thật rõ ràng nên đến ngay hội làng hay có việc họp bàn tại đình làng cứ chiểu theo thứ vị mà ngồi.
   Những người đỗ đạt, học trò, thầy đồ, hay những người có phẩm hàm... được miễn không phải đi canh phòng làng, xã. Gia đình nào nghèo mà con đến tuổi đi học, không có tiền mua giấy bút thì phải xuất tiền công quỹ của làng ra mua giấy mực cho chúng để chúng có thể đi học như những bạn cùng trang lứa.
Qui định về khuyến học ở Thổ Hoàng
Buổi đầu làng qui định, những ai đỗ từ tú tài trở lên làng đều phải mở tiệc ăn mừng, riêng đối với tiến sĩ khi vinh qui bái tổ được tổ chức đón rước linh đình. Làng trích ra 10 mẫu ruộng loại tốt làm ruộng công, hàng năm thu từ số hoa lợi này dùng vào việc làng như hội hè, lễ tiết, khuyến học. Những ai đỗ cao đều được ban thưởng bằng ruộng. Cử nhân được 5 sào, tiến sĩ được 1 mẫu. Trong thực tế thì do hương ước ra đời khá muộn, nên không có vị tiến sĩ nào nhận được phần ruộng thưởng (người đỗ cuối cùng là vào năm 1637), chỉ có một vài cử nhân thời Nguyễn sau này có được tặng thưởng.
Bên cạnh những quy định về khuyến học, tính hiếu học, trọng trí, trọng tài của người dân Hưng Yên được thể hiện rõ hơn qua thơ phú. Trên bia đá tại lăng mộ Vũ Hồng Lượng trong quần thể khu di tích đền Ủng thuộc xã Phù Ủng – huyện Ân Thi còn lưu lại bài thơ của tiền nhân khuyên con cháu chuyên cần trong nghiệp học như sau:
Khuyến tử tôn cần học thi
Học khả vinh danh khả lập thân
Tử tôn thức đắc thiếu tu cần
Cơ cầu tố nghiệp nghi đôn thủ
Kinh sử lương điền gia khẩn vân
Hàn thị bát đồng liên vạn tú
Đậu lang ngũ quế ái phương phân
Độc thư tín thị thành gia bản
Cảnh hạnh tằng vân ngã diệc vân
Dịch nghĩa:
Bài thơ khuyên con cháu cần cù học tập
Học có thể vinh danh lại có thể lập thân
Con cháu nên biết để từ nhỏ tu dưỡng, rèn luyện
Chăm chỉ việc đèn sách nên dốc mình giữ vững
Kinh sử là ruộng tốt cần gia công khai khẩn, làm cỏ
Họ Hàn tám cây đồng liên tiếp ra vạn nhánh tốt
Nhà họ Đậu năm cây quế thi nhau tỏa thơm
Đọc sách chắc chắn thành cái gốc nhà ta
Việc này người nói thế và ta cũng nói thế
Có thể nói việc làm thơ, khắc bia truyền lại cho con cháu mang mục đích giáo dục “khuyên con cháu lấy việc đèn sách làm gốc” không phải ở đâu và dễ gì gặp nhưng ở Hưng Yên việc ấy chắc cũng không quá khó khăn, vì ngoài tấm bia này thì ngay trong khuôn viên khu thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão hiện vẫn còn lưu lại tấm bia đá khắc toàn bộ hương ước mang tính khuyến học của bản thôn khi đó. Tuy nhiên, nội dung bia rất dài nên chúng tôi không có điều kiện giới thiệu trong bài viết này, mong rằng chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu đến độc giả trong một dịp gần nhất. Bên cạnh những ghi chép thể hiện tinh thần hiếu học thì có những lễ hội hiện nay ở Hưng Yên cũng thể hiện tinh thần đó. Một trong những lễ hội điển hình là lễ hội thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.
Làng An Cầu có nhiều lễ hội trong một năm vì làng có nhiều di tích và thờ chín vị thần, gồm những vị: Tống Trân, Dương Tam Kha, Đoàn Thượng, nhị vị tướng quân Thiên Bồng, Phù Lưu, bốn mẹ con bà cung phi của Ngô Quyền. Nhưng đáng chú ý và có quy mô lớn nhất là lễ hội đền Tống Trân. Trước đây, mỗi năm làng mở lễ hội hai lần “xuân thu nhị kì” vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Sau này, chỉ còn một lần bắt đầu từ ngày 10 đến 17 tháng 4 âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày 14.
Ngày 10 - 4 sau khi tế lễ khai hội, nhân dân làm lễ rước mực (thực chất đây là một lễ hội rước nước). Nhưng vì sao trong làng lại gọi như vậy, có một câu chuyện truyền lại rằng: Tống Trân sau khi đỗ Trạng nguyên về vinh quy bái tổ, về đến làng mình nhưng chẳng có ai đón rước, vì dân làng và tầng lớp quan lại, chức dịch cho rằng Tống Trân còn quá ít tuổi, lại là con nhà nghèo sớm mồ côi cha, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn của xã hội, nên không được đón rước. Bực mình ông đã ném nghiên bút xuống sông để quở mắng quan lại chức dịch trong làng. Chính vì điển tích này nên nhân dân đã gọi lễ hội rước nước là rước mực vì nước được lấy từ dòng sông Luộc nơi ông ném nghiên bút xuống.
Nước sau khi được lấy lên sẽ rước cùng nghiên bút ở bến Đò Nông (nơi mà nhân dân cho rằng nghiên bút của Tống Trân còn nằm dưới đó) về đền thờ ông. Đi đầu đoàn rước kiệu thường là những người có học rồi mới đến các vị bô lão, sau là chức dịch. Kiệu rước mực được giao cho nam thanh, nữ tú khiêng, đặc biệt ưu tiên người có học.
          Ngày 11 - 12/4 là ngày các phe giáp (dòng họ) và nhân dân trong làng đến lễ và xin khước từ đức thánh. Tức là xin một chút “mực” từ chiếc choé đựng nước ở bến Đò Nông trong đền. Người ta tin rằng, nếu xin được một chút “mực” đó đem về xoa lên đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi như vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân xưa kia.
Xưa kia, lễ hội diễn ra trong cả làng nhưng tập trung chính ở xóm Kiều Nguyễn, vì nơi đây có mảnh đất hình con ngựa chầu về đền Tống Trân. Tương truyền  đây là con ngựa do vua ban cho Trạng nguyên Tống Trân khi ông vinh quy bái tổ về làng. Bên cạnh đó, ở cánh đồng xóm Lê Xá có gò đất hình hổ phục quay đầu về đền Tống Trân. Truyền rằng, đây là con hổ đã mang tin báo của Cúc Hoa cho Tống Trân khi bị gia đình ép gả cho một tên địa chủ trong làng.
           Trong thời gian mở hội, những người có học từ tú tài trở lên về làng dự hội sẽ được giao cho việc tổ chức, tiếp đón khách (chức sắc trong vùng) và được ngồi mâm trên cùng các vị có vai vế trong làng. Những người này cũng được tham gia ban khước cho những dòng họ và những gia đình đến lễ, xin lộc từ đức thánh.
Có thể nói, lễ hội thôn An Cầu là một lễ hội khá đặc biệt, nó thể hiện tinh thần hiếu học vốn có của một làng quê từ xưa nổi tiếng với những tác phẩm thơ văn, nổi danh với vị thần đồng trẻ tuổi. Nhưng hơn hết cả, đó là một lễ hội của sự thành kính những người tài đức và nêu cao giá trị của việc học trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân ở vùng quê này.
          Có thể thấy, nghiệp khoa cử dường như đã ăn sâu vào tiềm thực của kẻ sĩ Hưng Yên, mỗi một triều đại, mỗi một giai đoạn lịch sử; thời nào cũng thế, Hưng Yên đều xuất hiện những văn nhân góp sức dựng xây tổ quốc. Để trở thành một tỉnh có nhiều làng hiếu học đứng tốp đầu cả nước ấy là do tự ngàn xưa người Hưng Yên đã rất coi trọng nghiệp học và coi trọng nhân tài, trí thức.
Mời cùng nghe: Hưng yên quê tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.