Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Tình cảm của người bạn cùng hoạt động bí mật (KC)

Tốt nghiệp cấp III vào mùa hè 1965, năm chiến tranh lan ra Miền Bắc, tôi nhập ngũ. Tạm biệt mẹ, các em, tôi viết thư báo cho cha việc tôi đi bộ đội. Tôi về bộ đội Hải quân, đóng ở Đông Bắc. Trong thư gửi cho tôi, cha nhắc, cha có người bạn thân từ hồi hoạt động bí mật là chú Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nếu có ghé qua Hồng Gai thì lại thăm gia đình chú. Lúc đó là thời chiến, là lính nên việc đi lại đâu có đơn giản, việc gặp Bí thư tỉnh ủy lại càng không đơn giản. Trong bộ nhớ của tôi lúc đó tâm niệm rằng, cha mình có một người bạn là chú Nguyễn Thọ Chân, người mà tôi chưa từng được gặp mặt.
Chú Chân (thứ 3 từ phải) đến Suối Đá làng 3 (Cao su Phú Riềng) nơi ông Bình hoạt động năm 1927-30.

Năm 1967, tôi được cử sang  Tp Odessa, Liên Xô  học tập. Lúc đó chú là Đại sứ đặc mệnh tòan quyền  Việt Nam DCCH tại Liên Xô. Qua anh chị em nghiên cứu sinh, sinh viên, tôi được biết chú Chân là con người giản dị, rất tâm lý, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, được mọi người quý mến.
Hè 1968, chú đến thăm Odessa. Ngoài cuộc gặp mặt sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam, chú còn đến Trường Phòng không, gặp gỡ các học viên quân sự chúng tôi. Sau buổi nói chuyện, chú đề nghị các đồng chí phụ trách Đoàn học viên cho gặp riêng tôi tại khách sạn.
Đến khách sạn, anh Vũ Khoan - bí thư thứ 3 Đại sứ quán - xuống sảnh đón tôi lên phòng. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp  chú Chân, bạn của cha mình. Chú hỏi thăm sức khoẻ của mẹ tôi, hoàn cảnh gia đình sau khi cha mất đầu năm 1967. Chú hỏi việc học tập của tôi và căn dặn phải cố gắng học cho tốt, phải  nắm vững vũ khí khí tài được học, để về nước phục vụ tốt vì cuộc chiến tranh chống Mỹ có thể còn kéo dài. Chú còn kể cho tôi về quan hệ thân thiết với cha từ thời kỳ hoạt động bí mật. Khi đó chú là bí thư Hà Đông, cha tôi tham gia Xứ Ủy, phụ trách Hà  Nam, hai người gặp nhau trong một cuộc họp do Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Thường vụ TW Hoàng Quốc Việt triệu tập vào 1942.
Tôi cứ nhớ mãi lần gặp gỡ thân tình mà chú dành cho tôi - con một người bạn thời kì hoạt động bí mật. Sau đó tôi có vài lần đến Đại sứ quán thăm chú. Năm 1973 trước khi về nước, tôi đến chào chú. Chú nhắc: “Cháu phải lấy vợ đi, cho mẹ có cháu bế!”. 
Khi  chúng tôi tổ chức  lễ cưới  vào đầu 1976, vì bận công tác ở miền Nam, chú gửi thiếp đến chúc mừng.
...
Hiện chú sống tại Tp Hồ Chí Minh. Chúng tôi thường đến 85 Cao thắng, Q3 thăm chú. Khi hỏi thăm: "Dạo này chú có khoẻ không?", thì chú hóm hỉnh trả lời: “Lẽ ra phải hỏi, chú đã viên tịch chưa? Năm nay 91 rồi lấy đâu mà khoẻ mãi”. Ấy vậy mà hàng sáng chú vẫn đến Hồ bơi Lan Anh, bơi khoảng 800m (nghe mà nể phục!). Mấy năm trước khi cận 90, cụ còn duy trì "giáo án 1000m".
Khi có chính sách xét truy tặng huân chương bậc cao của Nhà Nước cho các cán bộ lão thành đã qua đời, chú đã viết thư đề nghị Bộ Ngoại giao, TW Đảng, Chính phủ xem xét truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cha tôi.
Cách đây chục năm, chúng tôi tổ chức mời chú cùng chú Lê Trọng Nghĩa, vợ chồng chú Dương Minh Đẩu lên thăm Đồn điền Cao su Phú Riềng, nơi cha tôi cùng chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5000 công nhân cao su vào ngày 3-2-1930. Chú rất cảm động vì được tận mắt nhìn thấy các di tích của cuộc đấu  tranh nổi tiếng trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam.
Năm 2004, Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp đồng chí Trần Tử Bình. Chú Chân, trên cương vị bạn chiến đấu thời hoạt động bí mật đã nhiệt tình viết bài cho hội thảo. Bài được trân trọng đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, sau đó được in trong cuốn "Trần Tử Bình - từ Phú Riềng đỏ đến mùa Thu Hà Nội..." do Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2006.
Năm 2011, chúng tôi lập Blog Cuutucondao3045, nhằm góp phần cùng Ban quản lý di tích lịch sử Côn Đảo tôn vinh những tù chính trị  bị  Thực dân Pháp giam cầm thời kỳ 1930-1945, vốn là một cựu tù chính trị tại Côn Đảo chú tích cực ủng hộ. Những  tư liệu của  chú cung cấp góp phần quan trọng cho việc xây dựng Blog. Khi hỏi về các cựu tù chính trị Côn Đảo trong hệ thống tư liệu của chú, chú nhớ hết, cặn kẽ từng người.
Nhớ về người cha thân yêu, chúng tôi vui, tự hào vì cha có những người bạn thân thiết. Chú Nguyễn Thọ Chân là một nhân cách lớn. Mong chú luôn mạnh khoẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.