Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Nhà ta từng ở đâu? (KQ)

1. Khu gia binh trong doanh trại ở Côn Minh (Vân Nam) và Quế Lâm (Quảng Tây)
Cha mẹ, cô Tâm cùng 3 anh em ở Quế Lâm. Quốc 3 tuổi.
Suốt những năm ở TQ thì anh em ta theo cha mẹ, toàn sống trong doanh trại.
Tháng 10/2003, chúng tôi về thăm Trường Bộ binh Quế Lâm. Đứng trên tầng thượng.
Năm 2003 lần đầu thăm lại Quế Lâm, tôi đã nhờ chị Lư Mỹ Niệm (mặc áo trắng trong ảnh) liên hệ trước, để cả đoàn vào thăm Trường Bộ binh Quế Lâm. Hai năm (1955-56), Trường Lục quân VN đóng tại khuôn viên này. Ở đây có núi, có hồ, diện tích rộng vài chục ha, nằm gần công viên Nam Khê Sơn (phía nam Tp) nên được gọi là "xiảo Guilin" (Tiểu Quế Lâm).
Ban giám hiệu tiếp chúng tôi thịnh tình tại phòng khách rồi mời lên tầng cao nhất ngắm nhìn toàn cảnh trường. Đầy đủ hội trường, lớp học, thao trường, sân vận động... Tại thư viện, tôi thay mặt đoàn tặng nhà trường ảnh của Ban giám hiệu Lục quân VN ngày đó (có cha tôi, cụ Lê Trọng Tấn, cụ Lê Chiêu...) cùng ảnh "9' cuối cùng của anh Trỗi trước pháp trường".
Bạn lấy làm tiếc vì đoàn
không thể ở lại dùng bữa cơm thân mật (vì mấy bố kia sốt ruột về Nam Ninh). Hẹn lần sau...



2. Trở về VN, đầu tiên ở Lý Nam Đế rồi về khu Tổng Hành Dinh
Khi cha mẹ cùng gia đình về HN, quãng năm 1957, tôi nhớ nhà ta có thời ở đường Lý Nam Đế (nhà cụ Phạm Ngọc Mậu, Lê Quang Hòa ở bây giờ). Ít sau thì chuyển về 20 Hoàng Diệu, ở cùng nhà cụ Trần Quý Hai. Nhà có 3 tầng (2 lầu 1 trệt), nhà tôi ở tầng trên, nhà cụ Hai ở tầng dưới; còn dưới trệt là các chú bảo vệ, cần vụ. Nhà còn 1 cổng quay ra đường Điện Biên, có cầu thang lên rất bề thế.
Trên gác thượng nhà 20 Hoàng Diệu. Trái qua: Quốc, Chiến, Lợi, Nghị, Công.

Mấy anh em ngồi trên xe Jeep gỗ do bác Nguyễn Sơn tặng. Trái qua: Nghị, Lợi, Công, Phúc, Quốc.
Khi ở đây, tôi có bạn là Bùi Chương, còn Nghị, Phúc thì chơi với Chinh và Chuẩn. Mẹ tôi và cô Huệ (giáo viên dạy Sử, vợ bác Trần Quý Hai) rất quý nhau. (Ngày nghe tin mẹ tôi mất, cô giục Chuẩn đưa tới liền. Cô cứ thắc mắc ai bày cho các cháu làm mà lo cho mẹ chú đáo thế!).
Cha mẹ đón ông bà nội lên 20 Hoàng Diệu. Trước cửa nhà.
Ngày đó Lý Nam Đế và Hoàng Diệu còn chắn barrie ở 2 đầu, sau này mới bỏ. Liền cạnh nhà là nhà chú Lê Liêm và cô Lê Thu Trà - bạn chiến đấu của cha và mẹ. (Chú còn là sếp của mẹ ngày lãnh đạo khởi nghĩa ở Hưng Yên 1945). Cũng chỉ trèo rào là qua. Anh Chiến chơi thân với anh Trịnh Dân (bạn cùng thời Quế Lâm, sau này là điêu khắc gia có tiếng), anh Lợi học cùng anh Viết (Trịnh Thành Công), còn Nghị học với Hồng Hà và Phúc học cùng Hồng Anh từ khi đi Trại Nhi đồng Miền Bắc. Cụ Liêm yêu văn hóa, văn nghệ nên biết chơi piano và sáng tác nhạc. Chú mời cả họa sĩ Lê Lam về nhà vẽ những bức tranh khổ lớn. Tôi còn nhớ có bức trang sơn dầu "Ngày mùa" với cô thôn nữ đang ngồi sảy thóc và đàn gà đang nhặt thóc rơi bên cạnh. Cha mẹ tôi rất quý cô chú. Ngày mẹ tôi mất, cô Trà đến thắp hương và ghi lại lưu bút rất bạn bè: "Hưng đi thật sao rồi Hưng ơi!... Trà quên sao được những ngày gian khổ cùng công tác Phụ nữ trên Việt Bắc cùng Hưng...".
Cùng trên đường Hoàng Diệu là nhà cụ Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ... (đâu như số 34?). Lạ thế, theo thứ tự quy định thì nhà 34 phải đến 36 (theo hướng bắc xuống nam); nhưng số nhà chúng tôi ở lại là 20. (Sau này nghe Mẫn (con chú Trần Văn Quang, về ở thế nhà tôi) thì, ngày mới giải phóng Thủ đô, biển số nhà 36 bị mất và các chú bảo vệ nhặt được ở đâu số 20 liền gắn vào. Vậy là mang số 20 từ đó. Cánh nhà cụ Bửu có Tạ Vinh học cùng anh Lợi nhưng sau thân với tôi, Tạ  Chính học cùng Công, Tạ Nghĩa cùng Nghị.
Bên kia đường Hoàng Diệu, sát chân Cột Cờ là nhà chú Lê Quang Đạo và bác Song Hào. Đấy là nhà 2 thằng bạn thuở "mặc quần thủng đít" của tôi: Tây Bắc và Văn Thắng. Tôi chơi với cả Thắng Lợi, Quang Tuệ - nhà Bắc và Văn Chiến - nhà Thắng. Sau này anh em gắn bó nhiều sự vụ.

3. Nhà 32 Hoàng Diệu
Cũng chỉ ít lâu sau, nhà tôi lại chuyển sang số nhà 32 Hoàng Diệu, ở cùng nhà cụ Hoàng Văn Thái. Tại đây tôi có bạn Quốc Hùng, em Phúc chơi với chị Phượng, anh Chiến chơi với anh Hoàng Quốc Trinh, còn anh Lợi học cùng chị Minh Châu.
Nhìn qua vườn hoa nhà bác Văn (30 Hoàng Diệu) là nhà chú Văn Tiến Dũng ở số 28. Sau này Văn Tiến Huấn học Trỗi và cùng chơi "bồ đàn" với tôi ở Đại học KTQS, chị Mai học cùng anh Lợi ở Lý Thường Kiệt, còn anh Chiến thân anh Trình.
Nhà bác Văn có chị Hồng Anh đã lớn, chúng tôi ít biết; còn lại từ chị Bình đến Hạnh Phúc, Điện Biên, Hồng Nam đều thân thiết. Chị Bình học cùng anh Lợi, Biên học cùng Công, Nam chơi với Trung. Hai nhà chúng tôi còn có thời gian (cuối 1964) sơ tán lên Vĩnh Yên, ở nhờ Tỉnh ủy của chú Kim Ngọc.

4. Nhà ở 38 Trần Phú
Đến năm 1959, cha tôi nhận nhiệm vụ mới, chuyển sang Bộ Ngoại giao; vậy là gia đình chuyển về khu tập thể BTTM ở 38 Trần Phú, bên cạnh Quân y 354 và Tổng cục TDTT.
Tại sân nhà 38 Trần Phú nơi bọn trẻ con hay quần thảo đá bóng.
Thời Pháp đây là khu dành cho sĩ quan. Tòa nhà lớn trung tâm có tầng trên chia ra những căn hộ nhỏ, chừng 20m2. Nhà bác Vượng, chú Nam Hà-cô Hỷ, nhà chú Vũ Hải, chú Đỗ Trình (cùng công tác ở Lục quân với cha mẹ tôi) ở đây. Vì thế mà chúng tôi có 1 lô bạn: Vũ Toàn Thắng, Đỗ Trung Việt; sau là Phan Thế Châu, Đồng Tiến, Linh "ngổ", Bá "de"...
Tầng dưới của tòa nhà chia ra 2 phòng lớn, có diện tích chiếm hết sàn, dùng để làm sàn nhảy và nhà hàng. Sau hòa bình, nhà tôi và nhà bác Nguyễn Chánh ở trọn tầng này, mỗi nhà 1 nửa.
Tuy là khu dành cho sĩ quan nhưng WC toàn dùng chung. Tầng trên có 2 cái, tầng dưới có 2 cái nên sau phải xây thêm cái WC công cộng, phải chạy ra ngoài trời mới đến.
Trong khu sâu vào trong còn có dãy nhà trệt. Mỗi nhà ở 2 phòng, liền bếp. Đó là nhà chú Thanh Hải, chú Nguyễn Văn Đồng (dân Lục quân), chú Trần Văn Bành (em chú Trần Văn Quang), chú Phê (Cục 2)...
Khu này có 2 cây bồ đề rất lớn, rợp bóng mát cả sân. Cây ở đầu nhà phía Tổng cục TDTT có chạc 3  rộng, có thể trèo lên làm "công sự" đánh trận giả. Đây là chỗ chơi xô vê, trốn tìm của bọn tôi. Hè về thì tha hồ mà bắt ve. Trước giờ học, cả bọn hay rủ nhau mang đèn dâu đi lần từng gốc cây, bắt ve non về xem lột xác. Nhìn ve lột xác thành con ve non rồi lớn dần lên là niềm vui của bọn trẻ chúng tôi.

5. Nhà chuyển về 99 Trần Hưng Đạo
Đến năm 1963, cha tôi chuyển ngành đã được 4 năm. Về nguyên tắc, cơ quan mới phải lo nhà cho cụ theo tiêu chuẩn. Vậy là cơ quan mời cha mẹ tôi đi tìm nhà, sau đó sẽ ra quyết định.
Cha mẹ tôi từng đến 65 Nguyễn Du, nay là trụ sở NXB Hội Nhà văn, Hãng phim Hội Nhà văn... Nhưng khi đó là villa rộng, có ban-công cong cong suốt bề mặt. Sau vì thấy nhà này lớn quá, nên thôi. Cha mẹ tôi từng đến số nhà 68 Trần Hưng Đạo (nay là tập thể Bộ Ngoại giao), 1 villa rộng có cái cổng rất cổ, kiểu Tàu; nhưng cũng vì quá rộng.
Ảnh chụp năm 1969 tại sân nhà 99 (khi mẹ đi chữa bệnh ở Bắc Kinh). Có bác Mỹ (vợ bác Pho, chị dâu cả của cha) cùng anh Huynh, chị Mỹ, cháu Hải; cô Hiền (cơ sở của ta ở Côn Minh); cậu Luật (cơ sở CM ở Bần), bác Tư Thủy (cơ sở của TW ở Hà Đông) cùng Thắng con trai, chú Phạm Hữu Phú (cần vụ cho cha từ 1948), cô Hiền (em gái cha) cùng Lành con gái lớn, cô Tâm,  cô Sơn (con bủ Chính, cơ sở từ 1942 của cha ở Cổ Tiết, Phú Thọ) và cả nhà (chỉ thiếu anh Chiến đi học xa).
Cuối cùng đến nhà 99 cùng phố và 2 cụ đề đạt nguyện vọng với tổ chức, muốn về số nhà này. Sau này mới hay, nhà số 101 liền kề chính là nơi mà ngày 17/8/1945, cha tôi cùng chú Nguyễn Khang - 2 Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ cùng UBKNHN đã nhóm họp và ra quyết định Tổng khởi nghĩa tại HN.
Khi chúng tôi dọn về, nhà 97 là nhà do Cục Chuyên gia quản lí. Khi đó có bà chuyên gia người Úc dạy tiếng Anh ở Đại học Ngoại ngữ. Có chúng tôi về làm hàng xóm, bà vui lắm, hay gọi bọn trẻ con cho kẹo. Nhà 99 lại đầy cây ăn quả: cây khế ngọt từ nhà 97 chìa cành sang, tha hồ thu hoạch; cây sấu trĩu quả mùa hè; cây ổi găng thơm phức; cây nhãn sai quả (dơi toàn ăn và nhả hạt xuống sân)... Thế thì làm gì trẻ con không thích.
Nhà 99 cũng thuộc quản lí của Cục Chuyên gia, khi dọn đi họ để lại cái bàn bóng bàn. Thế là bọn trẻ con nhà 38 lại theo chúng tôi sang đây, chơi ping-pông suốt mấy tháng hè.
Bao đôi lứa đã xây dựng, sống ở ngôi nhà này; bao trẻ con thế hệ thứ 2 đã sinh ra và lớn lên ở đây... Quay đi quay lại đã gần 50 năm, nửa kiếp người. Nhanh quá và nhớ quá!

1 nhận xét:

  1. Nhớ ngày ở nhà 32 Hoàng Diệu, chú cấp dưỡng làm cho cha ăn món "não hầu óc khỉ" theo hứơng dẫn trong sách Tàu ghi lại: đầu bếp của Từ Hy Thái hậu từng chiêu đãi sứ giả "bát quốc liên minh" ăn 7 ngày 7 đêm với hàng trăm món (có cả não hầu) mà không chán.
    Trẻ con cũng được cha cho ăn ké.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.