Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Mẹ sống rất giản dị, tiết kiệm

Về già, bà chỉ thích ăn những món đồng quê; nào tép kho, cá rô kho hay đậu rán chấm mắm tôm... mà thịt thà tiêu chuẩn bà đâu có thiếu. Bà còn tự tay mua tôm về, lấy riềng, ngâm mắm tôm chua. Lắm hôm thiếu thức ăn, có miếng tôm cua của bà cũng làm hết bát cơm.
Suốt ngày cứ lụi cụi ở cái bếp bác Chiến xây thêm ở ngoài cồng, bà nấu thêm cả phần cháu Dính. Cứ đi học về là có cơm ăn. (Ngày đó mẹ Phúc phải sang Tiệp kiếm sống, Dính ở với bà. Hai bà cháu dựa vào nhau. Có Dính bà cũng nguôi ngoai nhớ con gái đi xa).


Sáng sáng bà thường đi bộ ra chợ Cửa Nam, đến quầy bán rau mậu dịch, nhặt những lá rau héo, rau sâu người ta vứt góc, mang về. Bà bảo: "Rửa sạch, nấu cám cho lợn ăn vẫn tốt, có chất sơ". Thấy "bà cụ vợ ông Tướng" xách làn rau lợn khệ nệ từ chợ về, bà con ai thấy cũng xót thương. Có lời thăm hỏi thì bà bảo: "Lao động chính đáng, có gì mà xấu?".
Nấu cám thì bằng giấy rác hay lá lẩu rụng xuống sân nhà bà Tâm quét gọn mỗi sáng. Thậm chí lấy cả giấy vệ sinh đã đi để đốt. Thương mẹ quá, bảo sợ khói độc thì bà bảo: Ngày xưa tao vẫn thế, có sao!

Cả nhà 99 có phòng nào dần phải chia cho các con vì thêm gia đình nhỏ. Qua mùa đông, chăn đệm không dùng tới, bà bảo mang hết lên phòng bà. Lần nào về cũng dọn dẹp phòng cho mẹ. Thấy trời nóng, chăn bông đệm lại bám bụi, vừa dọn vừa hắt hơi, sổ mũi. Nói với mẹ, để con dọn đi; bà lắc đầu: "Ở thế này, bà chịu được. Chứ bọn trẻ con mùa hè nóng nực mà sống cạnh chăn bông, đệm dày thì sao chịu nổi".
Bà đúng là 1 tấm gương hy sinh cả đời cho chồng, cho con, cho cháu. Ông Tích nhận xét nhà ta "Phúc đức tại Mẫu" chớ có sai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.