Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Mẹ chúng tôi

Bà Nguyễn Thị Hưng (1921-1993).
Mẹ có tên khai sinh là Nguyễn Thị Ức. Sau này khi đi hoạt động có nhiều tên: Tân, Hưng...
Mẹ sinh năm Tân Dậu (1021), mất 23/8/1993 (ngày 8/7 âm).
Sinh ra trong gia đình trung nông, mẹ sớm bị gả cho nhà giàu. Không chịu được mẹ đã bỏ trốn và vứt cái nón ở bờ sông Thái Bình như báo tin, đã tự vẫn. Trước đó đã làm liên lạc cho "già Đồi" (cán bộ cách mạng), nay mẹ trốn sang Hà Nam, Nam Định hoạt động. Mẹ từng là liên lạc cho cha (Xứ ủy), rồi cuối 1943 từng thay cha làm bí thư Ban cán sự Hà Nam (tương đương bí thư Tỉnh ủy).
Cha mẹ cưới nhau vào đầu 1945 khi cha trốn tù ra. Mẹ được phân công về tham gia xây dựng phong trào ở Kim Động rồi lãnh đạp phá kho thóc. Cứ bụng mang dạ chửa (chửa chị Hồng) mẹ nay đây mai đó. Khởi nghĩa Kim Động rồi tiến về thị xã Hưng Yên. (Vậy là ông thì lãnh đạo khởi nghĩa ở HN, còn bà ở Hưng Yên).


Sau đó mẹ liên tục công tác phụ nữ ở Hưng Yên rồi lên Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Năm 1951 mẹ chuyển vào QĐ, làm cán bộ Phòng Chính trị trường Lục quân VN, tương đương chính trị viên tiểu đoàn.
Năm 1957 mẹ chuyển ngành về Bộ Ngoại thương, làm Chủ nhiệm Xí nghiệp Lên thêu ren rồi Phó giám đốc TOCONTAP. Sau ngày cha mất (1967) mẹ lâm bệnh nặng (ung thư vú) phải sang Trung Quốc điều trị. Các bác sĩ Trung Quốc đã cứu sống mẹ. Một bên ngực mẹ bị cắt bỏ và vá thịt dưới đùi lên. Mẹ nghị lực chiến đấu giành giật lại sự sống vì "ông ấy sớm đi mà tôi còn những 8 đứa con".
Trở về làm việc đến 1978 mẹ nghỉ hưu. Tới 1993 thì mẹ mất. Mấy năm cuối đời, mẹ hay vào TpHCM sống với Công-Vượng. Ngày đó còn vất vả. Tiếc là khi các con đã phương trưởng, có thể phụng dưỡng mẹ thì mẹ lại đi xa.
Cả cuộc đời bà hết lòng vì chồng, vì con, vì công việc cách mạng. Đảng giao việc gì thì học mà làm, không hề mong làm ông nọ bà kia. Khi về hưu vẫn có thói quen hay lam hay làm, mẹ nuôi lợn, nuôi thỏ cải thiện. Bà vẫn tiết kiệm, ra chợ nhặt nhạnh rau thừa về rửa sạch, nấu cám. Bà con đi qua thấy vậy có ý thương hại, nhưng bà cười "tôi xuất thân là dân lao động mà, có hề chi". Đến khi bán lợn  "bà chỉ bán thịt, phải để lại bộ lòng cho tao, tao cho con cháu ăn 1 bữa thoải mái". Long và Lượng người to cao nên ngủ lại nhà 99, sáng dậy sớm, cân lợn (có cố tình bấm cái đuôi để tăng cân hơi cho lợn).
Với bà con dân phố, bà luôn thăm hỏi, ai khó khăn sẵn sàng mang tiền túi ra giúp. Có chú bí thư chi bộ, ngày bà mệt đã mang tiền bà cho mượn để nuôi lợn sang trả, bà lắc đầu: "Tôi có mang đi được đâu, chú cứ giữ mà dùng".
Ngày đưa mẹ đi nhiều đồng đội, bạn bè của bà, bạn bè của con cái đến viếng. Ba bà thân nhau: Nguyễn Thị Hưng, Hà Thị Quế, Trương Thị Mỹ giờ còn lại 2. (Nay bà Mỹ cũng đi xa). Đại sứ Trung Quốc ở HN cũng đến viếng. Cả cuộc đời bà trọn nghĩa, vẹn tình!
Bà gắn bó với cháu Hồ Trần Quân hơn cả vì mẹ cháu phải đi xa kiếm sống. Hai bà cháu, người già người trẻ cứ dựa vào nhau. Bà lo cơm 2 bữa, Quân đi học về là đã có cơm. Nhớ ngày bà mất, Quân cùng mẹ bay ở Mat về. Khi lên đến phòng bà, nó chạy quanh và gào lên: "Bà đi đâu rồi, bà ơi!". Tôi không cầm được nước mắt.

1 nhận xét:

  1. Phuc doc bai anh Quoc viet ve me,den doan cuoi kg cam duoc nuoc mat.Tinh cam la thu vo gia,co tien cung kg mua duoc.
    Phuc-Mat

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.