Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Gia đình cụ Lê Quảng Ba cũng là người thân cha mẹ


KỈ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MÌNH VỀ NƯỚC (28/1/1941 – 28/1/2011)

THIẾU TƯỚNG LÊ QUẢNG BA – NGƯỜI BẢO VỆ LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỀ PÁC BÓ

Kiều Mai Sơn

Tròn bảy mươi năm về trước, ngày 28/1/1941, Tết Tân Tị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt cột mốc 108 biên giới Trung Quốc – Việt Nam địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người dẫn đường bảo vệ và đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ cách mạng gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp về nước ngày ấy là đồng chí Lê Quảng Ba.
Tôi đang loay hoay đi tìm thân nhân của Thiếu tướng Lê Quảng Ba thì được ông Hoàng Văn Chương – con trai cụ Hoàng Văn Kiểu, Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa III (1960), Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Lâm nghiệp (1976), Trưởng Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ (1979 - 1982) – cho biết: Cụ bà Lê Quảng Ba là hàng xóm với gia đình ông.
Vậy là tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự quanh co vào một chiều muộn.
Bà quả phụ Lê Quảng Ba tên thật là Hoàng Thị Đào. Hai cụ cùng là người dân tộc Tày, cùng quê Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trong căn buồng nhỏ trên gác hai, bên cạnh bàn thờ đặt di ảnh Thiếu tướng  Lê Quảng Ba rất giản dị, trên tường là Huân chương Hồ Chí Minh của cụ ông, bằng chứng nhận Có công với nước của cụ bà và bức ảnh cụ bà tặng lại những kỉ vật của Thiếu tướng Lê Quảng Ba cho Bảo tàng Quân sự. Năm nay đã sắp bước sang tuổi 90 nhưng cụ bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Giọng quê hương bao năm không đổi thay, nhà cách mạng lão thành Hoàng Thị Đào đã cung cấp cho tôi những tư liệu cần biết.
***
Vào tiết cuối năm Canh Thìn (1940), trời rét, Lê Quảng Ba dẫn cả đoàn gồm 41 người được huấn luyện trong lớp quân sự của Trương Bội Công (do Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm làm trợ giáo), đi gấp về phía biên giới. Qúa trưa thì đoàn đã gần tới Lục Tùng cách Tĩnh Tây trên hai mươi cây số. Hai ngày sau đoàn về đến vùng hoạt động cũ của các đồng chí Hà Quảng và được lệnh dừng chân lại ở làng Nậm Quang và Ngàm Tẩy để tuyên truyền vận động quần chúng.
Gần một tháng sau Bác cũng về tới Nậm Quang. Tại đây đoàn được dự một lớp huấn luyện chính trị do Bác đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy.
Nhớ lại ngày “Bác Hồ về nước” Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã kể lại cho nhà văn Hà Minh Tuân ghi và được in trong tập hồi kí “Đầu nguồn” (nhà xuất bản Văn học):
Vào kì 28-30 tết ở Nậm Quang, nhà nào cũng giết lợn. Có ngày hai ba nhà cùng mời ăn; Bác đến thăm hỏi từng gia đình, nói chuyện thân mật vui vẻ với người già bằng tiếng Pạc. Phong tục người Nùng ở Ngậm Tẩy không để khách ngủ ở nhà từ đêm 30 tết đến trưa ngày mồng một, Bác khuyên anh em lên lán ở. Ngày Tết người ta thường đưa tiền phong bao cho các cháu. Bác đã chú ý sớm đến tục lệ này. Bác cho đổi sẵn tiền xu. Tết đến, tất cả các cháu ở hai làng Nậm Quang, Ngàm Tẩy đều nhận được tiền phong bao của cán bộ Việt Nam, mỗi gói một xu đồng.
Tôi không quên được những buổi chiều lành lạnh, cơm nước xong, Bác ung dung dạo chơi với chúng tôi ở các nương sau làng. Trò chuyện thân vui, thoải mái như cha con một nhà.
Bác hỏi thăm từng người, chăm chú lắng nghe tôi kể về bước đầu giác ngộ cách mạng của tôi. Bác mỉm cười ngoảnh nhìn tôi âu yếm, khi tôi kể lại buổi lễ tuyên thệ vào Đảng cách đây đã bảy năm, Bác hỏi:
- Thế ngày ấy chú có tin là cách mệnh rồi sẽ thành công không?
- Cháu có tin nhưng thấy còn xa xôi lắm. Cháu cứ nghĩ: chắc chắn mình sẽ được một phen sống mái với quân thù. Có thể mình chết mà chưa nhìn thấy cách mạng thành công.
Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày cuối năm, các đồng chí Dương Hoài Nam (bí danh của Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (bí danh của Phạm Văn Đồng) trở lại Tĩnh Tây. Năm đồng chí Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Lê Quảng Ba được theo Bác từ Nậm Quang (Tĩnh Tây) về nước…
Tiết xuân trời đẹp.
Chúng tôi ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường.
Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, lúc này tôi mới chỉ nhận thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh, rất thân quen.
Tôi dẫn Bác theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng. Bác cầm một cây gậy nhỏ nhưng chỉ khi xuống dốc Bác mới chống, chân Bác bước mau lẹ, dẻo dai như một thanh niên.
Bác vừa đi đường vừa nói chuyện. Tôi kể lại với Bác tin tức mới nhận được qua thư các đồng chí Cao Bằng mới gửi sang…
Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi phớt nâu rung rinh trong nắng. Đồng chí Lê Quảng Ba đã nhận ra cây mậy rẫy (cây si) xum xuê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp.
Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá. Rồi Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp… Bác dừng lại một chút nữa bên một dãy ghế đá thiên nhiên có nhiều hình dạng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đang đầy đau thương.
Người đã xúc cảm những gì, đã suy nghĩ những gì trong giây phút lịch sử đó?
Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất.
Từ cột mốc 108 nhìn về Nam chỉ thấy những ngọn núi nhấp nhô.
Đồng chí Lê Quảng Ba dự định sẽ đưa Bác về ở tạm nhà sàn của gia đình ông Máy Lì, người dân tộc Nùng, cơ sở cách mạng. Nhà ông đơn sơ gồm hai gian nhỏ và một gian mới làm thêm. Đến trưa Bác tới nơi. Ông Máy Lì ân cần đón tiếp Bác và cả đoàn. Bác ngồi uống nước, trò chuyện thân mật với ông Máy Lì như một người nhà vừa đi xa về.
Chợt Bác quay sang đồng chí Lê Quảng Ba nói nhỏ:
- Ta nhiều người nên ở trong núi thôi.
Ông Máy Lì nghe rõ, liền năn nỉ:
- Cụ và các bác cứ ở nhà đây tiện hơn, không sao đâu mà.
Bác mỉm cười với chủ nhà, tỏ ý cám ơn. Trong thâm tâm mình, Bác thương gia đình ông Máy Lì, không muốn gia đình ông phải ở chật chội.
Bác nói có ý dứt khoát:
- Thôi, sáu sán! (tức ở rừng) 
Không giữ được đoàn ở lại nhà mình, ông Máy Lì nói:
- Ở ngọn núi kề đây có hang kín đáo lắm, chỉ khi có thổ phỉ chúng tôi mới chạy tới thôi.
Ông Máy Lì dẫn đoàn đi về phía hang núi. Leo lên một đoạn đá lởm chởm thì mọi người đến cửa hang.
Đang trưa, nắng xuân. Nắng lọt qua các kẽ lá lọt vào hang. Một cái hang nhỏ nhưng đủ chỗ ở cho mấy người. Gần kề vách hang trong nổi lên một tháp đá thiên nhiên cao vượt đầu người; nuớc mưa bao năm đã mài gọt phần ngọ tháp trở thành một nhũ đá trắng. (Ít hôm sau Bác tạc nhũ đá này thành tượng Các Mác). Gió khô và lành lạnh vi vút cửa hang. Vào sâu trong hang không khí ẩm hơn. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới. Người ta gọi đó là hang Cốc Bó tức hang Đầu nguồn. Bác bằng lòng ở tạm đây.
Ông Máy Lì đem tới bốn tấm ván dài ngắn khấp khểnh, và một tấm cót rách. Ván kê lên chỗ lõm phía trong, phía ngoài nền hang bằng phẳng hơn, chúng tôi lót cót cắt lá mạy téc rải đệm nằm cho đỡ lạnh và đỡ đau lưng. Tay chúng tôi rải lá mà lòng cứ chộn rộn xót thương! Bác ra đi lúc đương thì trai tráng nay tóc Người đã có phần bạc, mà chúng tôi không xếp đặt được cho Người một tấm giường êm, một mái nhà ấm! Giữa khi ấy Bác từ dưới suối lên.
Bác gọi tôi bảo dẫn Bác và anh Phùng Chí Kiên đi xem xét địa thế quanh hang. Bác lanh lẹ tươi tỉnh tưởng như không phải vừa đi bộ từ sáng tới đây. Chúng tôi dừng lại bên bờ suối, rửa tay rửa mặt. Bác hồn nhiên nói với hai chúng tôi:
- Mình vừa nẩy ra cái ý này: dòng suối của ta đẹp quá trong xanh như ngọc ấy, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là suối Lê-nin. Còn ngọn núi hùng dũng kia (Bác chỉ tay về phía sau bên trái) chúng ta gọi là núi Các Mác, các đồng chí thấy có được không?
Anh Kiên và tôi cùng cười, tán thưởng ý kiến của Bác. 
***
Ngoài nhiệm vụ được đoàn thể cách mạng giao cho là đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước đầu năm 1941, Thiếu tướng  Lê Quảng Ba còn là người chịu trách nhiệm nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Khuổi Nặm, (Pác Bó - Cao Bằng). Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt và Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Chỉ sau bốn năm ngày ra đời, mặt trận Việt Minh, với chính sách đại đoàn kết toàn dân, đã thực hiện được ước vọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như trong bài thơ “Pác Bó hùng vĩNgười đã viết:
"Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lê nin, kia núi Mác,
Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thiếu tướng Lê Quảng Ba được tín nhiệm cử giữ nhiều nhiệm vụ trọng yếu: Khu trưởng Khu Hà Nội (nay là Tư lệnh Quân khu Thủ đô), Chỉ huy trưởng Mặt trận Duyên hải Đông Bắc và vượt Thập Vạn Đại Sơn giúp Hồng quân Trung Quốc tiêu diệt quân Quốc Dân đảng giải phóng đất nước và thành lập nước CHND Trung Hoa, Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 316, Tư lệnh Quân khu Việt BắcNăm 1960, ông chuyển ngành, làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.
Thiếu tướng Lê Quảng Ba là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III (1960), đại biểu Quốc hội từ khóa II (1960) đến khóa VI (1976), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quí khác./.

Tháng 2-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Cao Bằng, Bác về lại Pác Bó. Nói chuyện với nhân dân Cao Bằng, Người mong muốn:
“Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như trước đây Cao Bằng đã là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc…
Ít nhất Cao Bằng phải cao bằng nơi cao nhất hay nhất, Cao Bằng phải cao không nơi nào bằng”.

Hà Nội, ngày 20-1-2011
ảnh 1: Bức họa bảo vệ Bác về đến cột mốc 108, ngày 28/1/1941 tại Pác Bó (Cao Bằng).
ảnh 2: Cụ Hoàng Thị Đào tức cụ bà Lê Quảng Ba

1 nhận xét:

  1. Tôi thân với Chiến thộn". Anh học khóa 3 nhưng xuống học với khóa 5. Bản tính dân tộc thật thà, được dạy gì làm đúng thế. Anh là tay ghi-ta ác-co cho ban nhạc Hòa-Quốc-Chiến. Khi trong quân ngũ là tay ít nói, chỉ hàng động. Từng lừng danh về việc đưa cả hệ thống ICS của Mỹ ra Bắc, kết nối thành hệ thống chỉ huy thông tin của ta mà không hề sai sót. Về đời thường sống giản dị, trông xe máy xe đạp kiếm sống.
    Tiếc là uống R hơi nhiều, sau 1 tai nạn xe máy rồi mất. Thắp cho Chiến 1 nén nhang!

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.