Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

CÓ MỘT NGƯỜI NHƯ THẾ - ÔNG NGUYỄN TẠO


              
   
Lời nói đầu: Thực hiện chương trình công tác chính trị năm 1987 trong đó có việc viết hồi ký của các đồng chí cách mạng lão thành nguyên là lãnh đạo công an. Công an Hà nội đã cử chị Kim Dung, đến gặp và ghi lại lời kể của đ/c Nguyễn Tạo.
Ngày 23.5.1994 ông Nguyễn Tạo mất, thọ 90 tuổi. Hòa trong dòng người đến viếng, chị Kim Dung đã tặng lại gia đình phần ghi chép của mình, như một kỉ vật.
Nhận thấy đây là một tài liệu quý về truyền thống yêu nước của một vùng quê, một gia tộc, về phẩm chất của một nhà cách mạng chân chính, về lịch sử, về một thủa ban sơ… và với một cách kể chuyện dung dị, một cách viết mộc mạc, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này với những người quan tâm.


       Mãi cho đến bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, mỗi khi nhớ về quê hương, từ sâu thẳm tâm trí tôi lại vang lên dòng điệu dân ca quen thuộc “Trai vững như núi Quyết, gái đẹp như sông La…” Tôi tự hào là người dân của vùng quê đẹp đẽ và anh hùng ấy. Nơi tôi sinh ra, là xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cách biển không xa, kề bên núi Quyết sông La. Nhiều đời chúng tôi đã sinh sống ở đây.  
        Ông nội tôi, cụ Nguyễn Trọng Tốn, sau khi học hành thành đạt, triều đình bấy giờ bổ làm quan tri huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Nhưng thời gian làm quan của ông chẳng được bao lâu thì Huế thất thủ, Hà Nội bị đánh chiếm, giặc Pháp nghênh ngang chia năm sẻ bảy đất nước. Ông về quê, tìm gặp người bạn tri âm là Phan Đình Phùng. Với tấm lòng yêu nước khôn nguôi, hai ông quyết định khăn gói lên đường vào Huế để trực tiếp xem triều đình nghĩ gì, định liệu ra sao khi họa xâm lăng đang ở trước mắt? Than ôi, cố đô hoa lệ nay còn đâu? Vua Hàm Nghi và triều thần, trước sức ép của giặc Pháp đành kéo nhau đến vùng Sơn Phòng, một vùng rừng núi giáp Lào của Hà Tĩnh. Không từ bỏ ý định ban đầu, hai ông tiếp tục tìm đến Sơn Phòng. Gặp được nhà Vua, hai ông phấn khởi vô cùng, không phải vì chức vụ Nội Tướng và Nội Vụ Vua phong cho 2 người mà vì Nhà Vua và Triều Đình vẫn một lòng quyết tâm chống giặc. Tổ chức “Văn Thân” hình thành với nhiệm vụ chính là khôi phục lại vị trí vua Hàm Nghi, vị trí triều đình đương thời, với khẩu hiệu chung là “bình Tây, giết Tà”. Phong trào văn thân lớn mạnh không ngừng. Do ảnh hưởng tích cực của ông nội tôi và Phan Đình Phùng, vùng quê tôi nhiều người nô nức tham gia “Văn Thân”. Thanh niên trai tráng tìm đến vùng Vũ Quang, đại bản doanh của Phan Đình Phùng gia nhập nghĩa quân. Ông bác của mẹ tôi cũng là tướng giỏi, giúp Phan Đình Phùng rèn luyện nghĩa binh và chỉ huy đánh úp các đồn bốt địch làm chúng hoảng sợ. Ông ngoại tôi, cụ Nguyễn Viết Tương ở lại làng quê lo tổ chức các việc hậu phương như quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thực gửi ra cho nghĩa quân. Chính mẹ tôi khi đó, bà Nguyễn Thị Hai chừng 17,18 tuổi thường xuyên đi trong rừng, hoàn thành nhiều chuyến giao liên giữa quê nhà và căn cứ nghĩa quân.
Nhưng “Văn Thân” mới chỉ khuấy lên tinh thần yêu nước của một vùng, chưa mạnh lực lượng, chưa khỏe thanh thế đã bạo động, bộc lộ lực lượng công khai. Thêm vào đó việc xác định kẻ thù của “Văn Thân” quá mơ hồ, ấu trĩ. Họ giết Tây và giết tất cả những ai theo đạo Thiên chúa giáo. Theo họ, người Pháp truyền bá đạo Thiên chúa vào nước ta, ai theo đạo đó tức là theo Tây. Nhiều làng toàn dân theo đạo thiên chúa như Lạc Thiện, Xóm Vạn…bị đốt phá nhiều lần, nhân dân bị nhục hình và chém giết. Không thể nói ra, nhưng lòng dân oán hận. Bởi vậy, sự thất bại của “Văn Thân” là đương nhiên. Ông nội cùng vua và quần thần văn võ rút vào bí mật. Nhiều tướng giỏi và nghĩa binh không rút kịp đều bị giặc Pháp hành hình. Ông bác của mẹ tôi cũng bị chúng đưa về làng treo cổ lên cây đa.
“Văn Thân” tan vỡ cũng có nghĩa là lý tưởng của ông nội tôi sụp đổ. Ông về quê cũ, dứt khoát không hợp tác với giặc, không chịu mòn mỏi với cuộc sống ẩn sĩ trốn tránh dương gian. Ông quyết định theo nghề thuốc, nghề cao quý, giúp ích thiết thực cho con người. Ông tôi đã trung thành cho đến lúc qua đời (1921) thọ 99 tuổi. Sau này con cháu vẫn gọi là cố Huyện.
  Bố tôi, ông Nguyễn trọng Tấn, lớn lên khi phong trào “Văn thân” chỉ còn là dư âm. Ông được gia đình cho ăn học tử tế và đỗ tú tài. Nên sau này con cháu vẫn gọi là cụ tú Tấn, hay cụ tú Thái Yên. Là bạn thân với Phan Bội Châu, ông cũng có tấm lòng yêu nước và nhân ái với con người. Nhưng vốn tính đa cảm, ông không thích những chuyện xung đột. Không ra làm quan, ông học nghề thuốc của cha và quyết tâm nối nghiệp. Đương thời, ông được mệnh danh là thày thuốc giỏi, nhân từ. Ông rất coi trọng thuốc Nam, nên trồng cả một vườn thuốc Nam ở quê để dùng. Vừa chữa bệnh cho nhân dân vừa viết sách làm thuốc. 60 năm trong nghề, ông miệt mài soạn thành 210 quyển sách xoay quanh nghề thuốc. Tiếc thay, vì nhiều lí do những cuốn sách đó chẳng còn đáng kể. Ông mất năm 1955, thọ 88 tuổi.


Tôi sinh ra vào những năm tháng khủng khiếp nhất của quê hương. Ở vùng đất cằn cỗi, lúa cấy một vụ mà hi vọng được mùa quá mong manh, người dân quê tôi tìm nghề mộc làm phụ, lang bạt kì hồ khắp nơi kể cả Thái Lan, Miến Điện. Cuộc sống nghèo khổ và vất vả sẽ lặng lẽ trôi qua nếu mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe.  Nhưng tự nhiên biết đâu lòng người, mưa vẫn táp, gió vẫn sa, bệnh dịch vẫn hoàn hành, hạt lúa đã vào bị mưa gió dập vùi đến thối rữa, con người cần đến nhau là thế vẫn bị bệnh tật làm cách trở âm dương. Ác nghiệt thay, tàn khốc thay là bệnh đậu mùa. Không hẹn mà đến, chả chia vụ, chả chia mùa, năm sau hung hãn hơn năm trước, đậu mùa lôi đi ở quê tôi biết bao nhiêu người. Mẹ tôi kể lại rằng khi tôi được già nửa năm, dịch đậu mùa đã chọn tôi làm một đối tượng để gậm nhấm. Ngay cơn sốt đầu tiên tôi đã nghỉ ăn, nghỉ bú. Tiếp theo là đám mụn lớn, nhỏ thi nhau bung ra khắp cơ thể. Ban đầu tôi còn quấy khóc, đòi mẹ bế vắt vai, đi lại trong nhà, ngoài sân, sau thì chả còn hơi sức đâu mà khóc. Người tôi nứt nẻ, cựa quậy trong đám mủ tanh hôi đến buồn nôn. Mẹ tôi gần như phát điên vì phải chứng kiến thần chết đang lôi con mình ra khỏi tay. Được tin, bố tôi từ cửa hàng thuốc ngoài Vinh, vội vã đi suốt đêm về nhà. Ông ở bên tôi hàng ngày, nhờ tài năng, cứu tôi khỏi lưỡi hái tử thần. Và  từ đó, tôi lớn nhanh như thổi…
Năm lên 7 tuổi tôi theo học chữ Hán. Ông đồ già của làng dạy tất cả lũ trẻ con chúng tôi. 5 năm theo học cụ đồ, tôi hay bị phạt nhất, mặc dù học hành không dốt. Chả là tôi hay tụ tập đám bạn học chơi trò trận giả, đánh nhau, phục kích, nhiều lần quên cả giờ tới lớp. Mỗi lần có dịp về nhà, biết tôi mải chơi, chểnh mảng học hành, bố tôi thường gọi lại khuyên răn nhẹ nhàng: nào là chữ Hán là chữ ông cha ta nhiều đời đã dùng, dứt khoát không học chữ Pháp, học chữ Pháp là đầu hàng Tây. Nào là học chữ Hán để hiểu biết sâu rộng, nhất là lớn lên theo nghề thuốc của bố, nghề quý đã cứu tôi thoát chết…Tôi chăm chú nghe, cũng thấy nhiều điều có lý trong nhiều điều bố khuyên. Nhưng vài ngày sau những trò chơi chiến trận đã lại thu hút tôi mãnh liệt. Đầu óc non nớt của tôi cứ băn khoăn: Tại sao tôi phải nối nghiệp cha? Sao tôi không thể là một sĩ phu yêu nước, xông pha trận mạc bảo vệ đất nước? Hình ảnh một chinh phu với áo giáp “đỏ tựa ráng pha”, cưỡi con ngựa chiến “trắng như là tuyết in”, dũng mãnh “chọc trời khuấy nước” cứ tươi rói trong kí ức tuổi thơ của tôi.
Năm 13 tuổi, mặc dù chưa được sự đồng ý của bố, tôi vẫn đòi mẹ tôi đưa đến trường tiểu học. Tôi muốn biết người ta dạy những gì ở trường tiểu học, muốn biết những  xì xồ của bọn ngoại bang nghĩa là sao? Nền văn hiến của chúng là gì? Bố tôi khuyên can có, đánh đập có nhưng tôi vẫn miệt mài 4 năm ở trường tiểu học. Không thể “khuất phục” được đứa con ương ngạnh, bố tôi đưa tôi ra Vinh để kèm cặp, hi vọng bằng thực tế tốt đẹp của nghề thuốc, tôi sẽ chí thú nối nghiệp cha. Tôi rất thương bố, kính trọng bố, rất hiểu sự cao quý của nghề thuốc nhưng không thể nào chăm chú nghiên cứu y học, không thể nào trầm ngâm, suy tư cùng hàng ngàn vị thuốc Nam, Bắc. Bởi vậy tôi chỉ thành người giúp việc đắc lực cho bố. Tất cả mong muốn hiểu biết của tôi đều để ở trang báo hàng ngày và sách vở in bằng chữ Pháp, chữ Việt. Tôi chăm chú theo dõi mọi hoạt động chính trị của thanh niên, học sinh sinh viên, của những người yêu nước.
Tôi biết những năm đầu 20 của Thế kỉ 20, ở Nghệ An có một đảng phái mới thành lập lấy tên là “Phục Việt”(khôi phục nước Việt Nam) rất nhiều trí thức, học sinh ở Nghệ An tham gia. Tiền thân của “Phục Việt” là “ Chiêu Dương Hội”, hội của trí thức yêu nước thuộc nhóm “Văn Thân” còn lại, bấy lâu không chấp nhận cảnh sống ẩn dật thanh bạch giữ trọn tấm lòng son, mà đêm ngày sôi sục tìm cách cứu nước, cứu nhà. Họ thành lập “Chiêu Dương Hội” để buôn bán, quyên góp tiền của giúp những sinh viên du học Nhật Bản về mở mang cho đất nước. Họ cho người liên lạc với “Đông Kinh  Nghĩa Thục” ngoài Hà nội, với tổ chức của Lương Văn Can ở Thái Bình. Cũng giống như nhiều tổ cải lương lúc bấy giờ, “Chiêu Dương Hội” bị Pháp đàn áp. Các cụ đứng đầu hội như Lê Huân (Giải Huân), Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), Ngô đức Kế đều bị đày ra côn đảo. Giữa mịt mùng biển khơi, giữa cái sống và cái chết cách nhau gang tấc, những cụ già yêu nước vẫn hướng về quê hương, hướng về lý tưởng đánh giặc cứu nước.  Họ dặn dò nhau ai sống được về tới đất liền, nhất định phải thành lập đảng “Phục Việt”. Họ tổ chức cho 3 người vượt ngục. Hai người về tới đất liền thì bị bắt và lại bị đưa ra côn đảo. Riêng Tú Kiên trốn sang Trung quốc thì bị Phan Bá Ngọc làm mật thám cho Pháp báo Pháp bắt và cũng bị đày trở lại Côn đảo. Họ tổ chức cho một người nữa vượt ngục, người này về đến Sài Gòn thì bị bắt. Mãi đến 1918, Lê Huân hết hạn tù mới về tổ chức thành lập đảng “Phục Việt”. Và đến những năm 20 “Phục Việt” thu hút quanh mình hầu hết số trí thức Nghệ An, Hà Tĩnh và tiếng tăm đã lan truyền khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều trí thức có tên tuổi trong cả nước như Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Đào Duy Anh, Phan Kim Huy, Phan Đăng Lưu…đều gia nhập “Phục Việt”. Tôi tình nguyện làm đảng viên “Phục Việt” khi chưa đầy 18  tuổi.
Nhiều sách báo, tài liệu của bác Hồ ở nước ngoài được bí mật chuyển tới “Phục Việt”. Tất cả các đảng viên đều say sưa nghiên cứu, đều náo nức trong niềm vui lớn. Con đường mà họ mò mẫm, tìm kiếm bấy lâu nay đã trải ra trước mắt. Lê Huân liền cử Lê Duy Điếm, một đảng viên tin cậy, sang Thái Lan rồi tìm đường tới Quảng Châu, Trung Quốc gặp Bác Hồ xin chương trình “Cách Mạng Đồng Chí Hội”. Đồng thời với việc cử người đi tìm Bác, “Phục Việt” lãnh đạo học sinh, sinh viên cùng nhân dân đấu tranh đòi giặc Pháp thả Phan Bội Châu đang bị giam cầm. Năm 1925 Phan Bội Châu được tha và Lê Duy Điếm cũng hoàn thành nhiệm vụ, mang đầy đủ tài liệu “Cách Mạng Đồng Chí Hội” về cho “Phục Việt”. Đảng “Phục Việt” chuyển thành “Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” do Lê Huân (tức Giải Huân) làm đảng trưởng, có tổng bộ là Nghệ An. Thường xuyên liên lạc với Bác Hồ, cử Trần Phú sang gặp Bác và Trần Phú được Bác cử tiếp sang học Liên Xô.
Vào năm 1925,1926 một số thanh niên yêu nước ở miền Bắc tìm cách đến Quảng Châu, Trung Quốc gặp Bác Hồ và được Bác giác ngộ, thành lập một “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” nữa, có tổng bộ là Quảng Châu. Vậy là đồng thời có hai tổ chức “Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội”. Năm 1929 “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” tiến hành đại hội nhằm hợp nhất các tổ chức thanh niên yêu nước làm một. Nhưng do những bất hòa không đáng có, mục đích đại hội không thành. Các đại biểu miền Bắc về nước thành lập “Đông Dương Cộng Sản Đảng”, miền Nam thành lập “An Nam Cộng Sản Đảng” và miền Trung thành lập “Tân việt Cách mạng Đảng”, sau chuyển thành “Tân Việt Cộng Sản liên Đoàn”. Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Minh Khai cũng tham gia đảng này và bí mật ra Hà Nội liên lạc với tôi. Tuy mới thành lập nhưng “Tân Việt Cộng Sản liên Đoàn” đã trải qua hoạt động của “Phục Việt”, của “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” của “Tân Việt Cách Mạng Đảng” nên đội ngũ đảng viên đông đảo, chi bộ được thành lập khắp cả nước. Lúc ấy tôi được Đảng cử phụ trách “Tân Việt Cộng Sản Liên Đoàn” phía Bắc, gồm các chi bộ ở Đáp Cầu Hà Bắc, ở đại đội lính khố đỏ ở Hưng Hóa Tuyên Quang, ở các trường cao đẳng như Y, Dược, Lục lộ, Bôđa…
Biết hoạt động của “Tân Việt” mạnh và rộng khắp, giặc Pháp cùng bọn tay sai tìm mọi cách phá hoại. Những đồng chí trung kiên như Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt đều bị bắt, tôi cũng bị tầm nã. Tổn thất to lớn hơn cả là trong một lần “Tân Việt” triệu tập họp cán bộ cốt cán tại bến đò Trai thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh thì bị giặc Pháp phục kích, bắt giam rồi thủ tiêu dần.
Kẻ thù vẫn ráo riết tầm nã những đảng viên “Tân Việt” trong đó có tôi. Cơ sở của Đảng ở Trung du, ở miền núi phía bắc, ở Hà Nội che chở cho tôi. Nhưng không thể sống mãi cuộc đời trốn tránh, không liên lạc được với “Tân Việt”, tôi đã tham gia “Đông Dương Cộng Sản Đảng” vì nghĩ rằng dù khác địa dư, Đảng này cùng chung chương trình, cùng chung mục đích lí tưởng với “Tân Việt”. Ít lâu sau 3.2.1930, bác Hồ tổ chức cuộc họp ở Ma Cao, Trung Quốc hợp nhất 3 đảng trong nước thành “Đảng Cộng Sản Đông Dương”.
Tôi được Đảng cử phụ trách công tác tài chính, công việc thật mới mẻ, nhưng với tinh thần đảng viên cộng sản, tôi nhanh chóng làm quen và đưa dần vào nề nếp. Đang mải mê với nhiệm vụ mới thì cuối tháng 3.1931, đảng bộ Nam Định bị lộ và bị đàn áp. Nghiêm Thượng Biền, Bí thư Xứ ủy không chịu nổi tra tấn đã khai báo một loạt cơ sở phía Bắc. Gần 300 người ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội  bị giặc bắt trong đó có đồng chí Lê Duẩn, Trịnh đình Cửu…và tôi. Chúng tôi bị đưa về Hỏa lò và gặp đồng chí Trường Chinh bị bắt từ trước. Tại đây chúng tôi thành lập chi bộ bí mật gồm 7 đồng chí,  do đồng chí Trường chinh làm bí thư, lãnh đạo gần 2000 Đảng viên Cộng Sản đang bi giam cầm chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, chống lại sự tuyên truyền, lôi kéo của bọn Quốc Dân Đảng. Thắng lợi liên tiếp thuộc về chúng tôi, nhưng phải hoạt động trong sự cầm tù, tôi thấy bí bách, thấy sức mình còn thừa thãi quá nhiều. Chỉ có ra ngoài đời, hoạt động giữa đồng chí, đồng bào mình mới thấy thoải mái, hạnh phúc.
Tôi báo cáo tổ chức để được vượt ngục, và được đồng ý. Muốn được tự do, tôi hăng hái đề xuất xin vượt ngục, bây giờ tổ chức chấp thuận tôi mới thấy lo. Vượt làm sao được giữa bao nhiêu bức tường khó lòng khoan thủng? Theo cống ngầm chui ra ư? Cống ngầm cọc sắt đóng dày, một quả bóng nhỏ không lọt nổi? Phải tìm cách buộc chúng đưa ra khỏi hỏa lò, sau đó sẽ tính toán tiếp. Những đồng chí được tổ chức đồng ý cho vượt ngục đều giả ốm. Tôi nhịn đói 12 ngày, thân thể tiều tụy, người lả đi và ho ra máu. Kẻ thù tưởng chúng tôi ốm nặng, buộc phải chuyển ra nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt-Đức). Tôi cùng 6 đồng chí (Phạm Quang Lịch, Nguyễn trọng Đàm, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đình Tuyển, Phạm Như Cương, Bùi xuân Mẫn) bị đưa vào buồng giam của nhà thương. Sau mấy ngày nắm chắc tình hình, chúng tôi nghĩ chỉ cưa chấn song sắt cửa sổ thông gió sát trần, lần lượt chui ra là phương pháp trốn tối ưu. Nhưng lấy lưỡi cưa sắt ở đâu? Lịch nhận việc chuẩn bị lưỡi cưa. Nhà anh vốn là một đại địa chủ ở Thái Bình, giác ngộ cách mạng đi theo Đảng. Người nhà, bạn bè của anh ở Hà nội khá nhiều và đều giàu có. Họ đến thăm anh dễ dàng hơn người nhà chúng tôi. Họ đã làm một chiếc hộp hai đáy, đặt lưỡi cưa sắt ở đáy dưới, và đổ đường đầy ắp, chuyển vào. Và, chúng tôi thoát khỏi nhà thương như chuyện thần thoại. (Về cuộc vượt ngục này, ông Nguyễn Tạo đã kể trong hồi kí “Sống Để Hoạt Động”, và cũng từ đó ông được gọi là Tạo Doãn, hay Nguyễn Phủ Doãn)
Thực hiện lời hứa trong tù “đã trốn thoát là phải hoạt động”, chúng tôi lao vào công tác, quên cả nguy hiểm, vất vả. Phạm Quang Lịch về quê cũ Thái Bình, tuyên truyền, giác ngộ thành lập được 11 chi bộ. Anh dự kiến họp cơ quan Tỉnh ủy thì bị một tên phản bội khai báo với giặc, anh bị bắt. Nguyễn Lương Bằng về Hải Dương công tác, ít lâu sau cũng sa lưới mật thám. Các anh khác về các miền quê tiếp tục hoạt động. Riêng anh Nguyễn Trọng Đàm bị bắn chết khi chưa ra khỏi Hà Nội. Còn tôi đến vùng Đa Phúc, Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội) làm cu li cho một đồn điền, tổ chức nông hội đỏ ở đó, và tổ chức được một chi bộ. Giặc Pháp đánh hơi thấy tôi ở Đa Phúc cho lính tầm nã, tôi chạy lên Sơn Tây tổ chức một chi bộ ở đồn điền Đá Đen, rồi chạy tiếp vào Thanh Hóa thành lập chi bộ Hàm Rồng. Chi bộ này lớn mạnh, trở thành nòng cốt để tôi thành lập Tỉnh ủy Thanh Hóa, hoạt động bền bỉ, có chất lượng đến thời kì kháng chiến chống Pháp.Tôi thành lập được một chi bộ ở chợ Dầu, Bắc Ninh. Ở Hà Nội tôi thành lập và củng cố chi bộ Nam Đồng, rất đáng tiếc, một số đảng viên của Nam Đồng bị bắt, hèn nhát khai báo về tôi. Tháng 4.1934 tôi đang ở Thanh Hóa thì bị bắt. Chúng đem tôi về Hà Nội xét hỏi, tra tấn và đưa ra Hà Đông, ít lâu sau lại đưa về Hà Nội. Tòa án kết tội tôi 7 năm tù giam cộng với 20 năm của án trước thành 27 năm. Thành án, chúng trả tôi về miền Trung rồi đày lên nhà tù Lao Bảo, nhà tù Buôn Ma Thuật.
Kẻ thù thật thâm độc khi chọn Lao Bảo xây một nhà tù. Rừng núi âm u hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Thỉnh thoảng những đợt giá Lào thổi qua, cây cối khô quắt, người như bị hút hết nước, môi bỏng rộp và thân thể rã rời. Chế độ của nhà tù hành hạ và không chịu nổi khí hậu vùng Lao Bảo, nhiều tù nhân chính trị chúng tôi qua đời. Giặc Pháp muốm giết dần chùng tôi theo kiểu đó. Những năm bị giam cầm Lao Bảo tôi gần gũi thân thiết với Trương Văn Lĩnh. Lĩnh bị bắt về Lao Bảo trước tôi mấy năm. Năm 1923, anh là thanh niên tiến bộ được tổ chức Cách mạng cử sang Trung Quốc học trường Quân sự Hoàng Phố. Anh rất giỏi tiếng Anh nên quen biết nhiều người ngọai quốc và do vậy giúp đỡ Cách mạng được rất nhiều. Như vận động để bọn Tưởng Giới Thạch tha một số đồng chí cách mạng. Kể cả lần bác Hồ bị bắt ở Hồng công năm 1931, anh đã vận động luật sư Luzơbai bảo vệ bác. Người liên lạc giữa anh Lĩnh và Bác Hồ khi đó là chị Lý Phương Thuận, vợ đồng chí Hồ Tùng Mậu, bọn mật thám bí mật theo dõi chị và bắt được Trương Văn Lĩnh cùng Hồ Tùng Mậu. Anh Lĩnh bị đưa về nước, kết án và đày lên Lao Bảo.
Năm 1935 Mặt trận bình dân ở Pháp thắng thế, chính phủ Pháp nhân sự kiện này ân xá tha hoặc giảm án cho một số tù nhân trong nước và thuộc địa. Tôi, anh Lĩnh, nhiều đồng chí nữa không được hưởng chút nào sự ân xá đó. Ở lại Lao Bảo để thi hành bản án tức là tự mình giết chết mình. Tôi, anh Lĩnh cùng hai anh Nguyễn Doánh và Chu Huệ bàn cách vượt ngục. Bàn thế nhưng cơ hội để thực hiện đâu có dễ dàng. Mãi đến một đêm tối trời lạnh giá cuối năm 1942, tại nhà đày Đăkminl của nhà tù Buôn Ma Thuật, bốn anh em chúng tôi quyết định trốn. Chạy suốt đêm trong rừng, không hề ngoái lại, nhưng chúng tôi đều không dám chắc mình thoát. 4 ngày, 4 đêm chúng tôi chi dám nghỉ khi quá mệt. Xuống đến đồng bằng Trung bộ chúng tôi chia tay nhau, để nếu có bị bắt lại thì không bị bắt cả. Nguyễn Doánh về đến Nghệ An bị bọn Tây phát hiện và bắn chết. Chu Huệ về quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An hoạt động và tham gia cướp chính quyền ở đây. Trương Văn Lĩnh cùng tôi ra Bắc, liên lạc với Ủy ban kháng Nhật. Lĩnh được cử phụ trách trường đào tạo quân sự của chiến khu, tôi được cử công tác hậu cần.( về cuộc vượt ngục này, ông Nguyễn Tạo đã kể lại trong hồi kí Vượt Ngục Đắckmil)
Giữa năm 1945, do đòi hỏi về công tác cán bộ miền Trung, tôi được cử về quê tổ chức chiến khu Tràng Sinh ngay trên cở sở chiến khu của Phan Đình Phùng trước đây. Chưa có bao giờ không khí cách mạng lại sôi động như những ngày này. Từ chiến khu đến từng cơ sở ai cũng háo hức, chờ đón một niềm vui, một sự kiện lớn mà không thể tưởng tượng cụ thể hay nói thành lời về nó. Chúng tôi sống, làm việc gấp gáp, khẩn trương. Không khí Cách mạng làm chúng tôi say sưa đến quên ăn, quên ngủ, quên mệt. Tôi cũng là một Ủy viên trong Ủy ban cướp chính quyền tỉnh Nghệ An. Cùng cả nước Nghệ An dành được chính quyền, tôi được cử giữ chức Giám đốc công an tỉnh Nghệ An. Giữa bộn bề công việc, giữa niềm vui lớn có thể quên tất cả, biết bao việc phải giải quyết và xây dựng chính quyền còn non trẻ. Lực lượng công an nhân dân mới được thành lập, công an các địa phương càng mới mẻ hơn, tôi phải bắt đầu mọi việc. Tuy vậy, tôi cũng hiểu việc cần làm trước mắt là xử lí bọn Tây, bọn tề Ngụy, bọn phản bội để tê liệt toàn bộ hoạt động của Quốc Dân Đảng phản động. Nhiều việc, song biết cách tổ chức làm rồi sẽ hết. Cái khó nhất của tôi khi đó không chỉ có nhiều việc mà là phải tìm cho ra kẻ phản bội, người lầm đường hoặc bị ép buộc để xử lí nghiêm minh và chính xác, mang lại niềm tin trong quần chúng.
Trong số bọn phản động, có một tên đáng lưu ý là Đinh Văn Di. Di đã từng là tỉnh ủy viên Nghệ An, là bạn hoạt động vào sinh ra tử với tôi. Ai ngờ, Di đầu thú với giặc Pháp, nhận làm lãnh tụ của một đảng có tên là Ăngti Bônsêvic, trực tiếp chịu sự chỉ huy của cơ quan mật thám Pháp.Tệ hại hơn, Di còn nộp cho kẻ thù toàn bộ danh sách Trung ương Đảng ta và Tỉnh ủy Nghệ An khi đó. Do chỉ điểm của Di, nhiều đảng viên cộng sản trong đó có đồng chí Hà Huy Giáp bị bắt…may là Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh trốn thoát.
Tội ác của Di gây tổn thất lớn cho Đảng, cách mạng. Cũng may Cách mạng thắng lợi hoàn toàn. Chính quyền về tay nhân dân thì việc đầu tiên là phải trừng trị những tên bán nước hại dân, bán rẻ danh dự cá nhân và biết bao tính mạng đồng đội như Di là cần thiết. Di sợ chính quyền mới, sợ bị trừng phạt nên cố tình lẩn trốn. Nhưng cuối cùng các chiến sĩ an ninh huyện Nghi lộc cũng bắt được hắn. Tôi cho mở phiên tòa công khai xét xử Đinh văn Di. Nhân dân tới dự khá đông…
Thời gian làm Giám đốc công an Nghệ An của tôi không đầy nửa năm, nhưng biết bao việc phải làm. Ngoài phân biệt, xử lí bọn người liên quan tới thực dân, phản động, còn lo giúp đỡ những người trí thức có tấm lòng với dân tộc nhưng trong hoàn cảnh nào đó chưa thể hiện được. Điển hình cho lớp người này là hai anh Tạ Quang Bửu và Phan Anh. Trước khi Cách mạng tới, các anh có tên trong chính phủ thân Nhật ở Huế. Chính quyền về tay nhân dân, các anh lo sợ chạy ra phía Bắc, tới Quỳnh Lưu thì bị bắt. Được tin đó, tôi điện cho Quỳnh Lưu chuyển các anh lên Ty công an. Ở đây, tôi làm giấy đảm bảo về phẩm chất chính trị cho các anh và chuyển ra Bắc. Khi đó không phải không có người băn khoăn trước việc làm ấy của tôi, nhưng tôi dám chịu trách nhiệm. Vì biết, các anh dù ở chính phủ nào hoạt động khoa học vẫn là niềm say mê, hạnh phúc duy nhất.
Đốctờ Hy, cướp chính quyền được cử phụ trách y tế ở Vinh, có kể với tôi là có một ông người Lào đang sống ở Vinh là kĩ sư cầu cống, rất yêu nước, đầy nhiệt huyết và cũng rất muốn làm cách mạng giải phóng cho dân tộc mình. Tôi đã mời ông ấy đến gặp và hỏi chuyện. Và trong chuyến xe đưa Bảo Đại ra Hà Nội, tôi đã mời ông ấy đi cùng để gặp Bác Hồ, người đó là Hoàng thân Xuphanuvông.

Một ngày cuối năm 1945, tôi phải khẩn trương bàn giao công việc mà phần lớn còn trong dự kiến cho đồng chí khác để trở ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Lệnh trên là phải thi hành nhưng thật lòng tôi rất phân vân, lưu luyến. Dù sao đây cũng là quê hương, là cơ sở công an địa phương đã bắt đầu đi vào ổn định. Biết bao nhiêu kế hoạch, dự định tôi hi vọng thực hiện ở tập thể công an này? Rất may, Trung ương lại cử tôi giữ chức Ủy viên Quốc gia Bảo vệ cuộc các tỉnh Nam Bộ, trụ sở đặt tại Mỹ Tho.
Bấy giờ Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ do ông Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch. Phụ trách các ngành thì gọi là Ủy viên, lực lượng công an thì gọi là Bảo vệ cuộc. Tên gọi có khác nhưng chức năng nhiệm vụ vẫn là bảo vệ an ninh.
Nếu ở các tỉnh phía Bắc công tác công an bắt đầu vào ổn định, thì ở Nam Bộ thời kì này coi như chưa có gì. Tôi đến trụ sở Quốc gia bảo vệ cuộc ở Mỹ Tho được 3 ngày, đang nghiên cứu văn bản các kế hoạch của tổ chức thì giặc càn tới.
 Thực dân Pháp lợi dụng danh nghĩa đồng minh thường nghênh ngang quấy phá ta như vậy. Chúng ta không phải là không đánh trả được chúng, nhưng kẻ thù khi đó thật nhiều, khó khăn nhiều mặt của đất nước thật lớn, đành hòa hoãn với Pháp để Pháp đẩy đuổi 2 vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước.
Khi Pháp tấn công trụ sở Quốc gia Bảo vệ cuộc, anh em chúng tôi buộc lòng phải chạy, thậm chí còn nhiều lần chạy tán loạn, không có tổ chức. Lần này, tôi còn lạ nước, lạ cái mà trận càn lại quá bất ngờ. Đêm về khuya, vừa chợp mắt đã nghe súng rộ ở phía bờ sông, nhiều tiếng la hét, gọi nhau và bước chân chạy huỳnh huỵch, tôi gọi cậu nhân viên, hai anh em xách vội ba lô tài liệu chạy ra ngoài. Vừa chạy, tôi vừa trao đổi: Mình mới vào, cậu phải chủ động mà chạy nhé? – Vâng, anh cứ theo em. Tôi chạy khá vất vả mới theo kịp, chạy đi, rồi lại chạy về. Rẽ ngang, rồi lại rẽ dọc, hầu như chỗ nào chúng tôi cũng xuýt đụng đầu với giặc. Cuối cùng cậu nhân viên dừng lại thở: Không thể chạy ra khỏi vùng này được nữa anh ạ!
Chẳng nhẽ lại chịu sa vào tay chùng sao? Tôi hỏi lại và không hề phân vân lo lắng. Tôi biết, cậu nhân viên đang đứng trước mặt, tuy mới được giác ngộ cách mạng, nhưng rất trung thành. Bố cậu ta là một địa chủ trong vùng, loại địa chủ ít mang tính bóc lột, chủ yếu có ít ruộng đất và căn cơ mà lên. Bọn Bình Xuyên đã đến quấy phá, cướp bóc nhà cậu ta. Trong hoạn nạn ấy, công an cách mạng biết tin đã kịp thời đến giải vây, cứu cả nhà. Cảm phục tấm lòng của các chiến sĩ công an, cậu ta tình nguyện làm nhân viên cho Quốc gia Bảo vệ cuộc, giúp đỡ công an nhiều việc hữu ích.
Cậu ta mắm môi, chau mày suy nghĩ, và quyết định: Ta đến nhà Luật sư Huỳnh Thái Thông tạm trú. Bọn tây có đến vùng này thường kiêng nể những gia đình như thế lắm.
Tất nhiên là tôi không phản đối, mà biết gì để phản đối, tôi lặng lẽ chạy theo cậu nhân viên.
Biệt thự Luật sư Huỳnh Thái Thông rộng và sang trọng, nhưng giờ đây bỏ không, chủ nhân kéo nhau bỏ trốn từ lâu. Chúng tôi không kịp nhìn ngắm ngôi nhà, lao ngay xuống bếp tìm cách leo lên trần áp mái, tuy là trần bếp, nhưng bếp nhà giàu nên khá sạch sẽ và rộng rãi. Chúng tôi nằm im nghe động tĩnh. Bỗng có ai leo lên trần nhà cũng khá vội vã? Tôi và cậu nhân viên sẵn sàng tư thế chiến đấu. Khi gương mặt người lạ xuất hiện trên mặt trần, cậu nhân viên liền à lên sung sướng:
Chào anh, tình hình dưới đó ra sao? Cậu ta giới thiệu với tôi: đây lá anh Bồi, giúp việc cho Luật sư Huỳnh Thái Thông, cũng tham gia dân quân trong vùng.
Chúng tôi chẳng kịp bắt tay nhau, vội nằm bẹp xuống, ngoài cổng dưới sân đã rộn lên tiếng bọn Tây, chúng bảo nhau đây là nhà Luật sư, không được đốt phá. Nhưng tiếng lợn gà vẫn kêu inh ỏi, tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. Chúng vào nhà lục rượu, xuống bếp tìm thức ăn, ăn uống và cười hô hố.
Khi bọn chúng đi, chúng tôi dục anh Bồi về qua nhà thăm vợ con, nghe ngóng tình hinh và mua giúp một ít bánh trái. Lát sau anh Bồi trở lại cùng một làn cói bánh mì. Chúng tôi đói, ăn ngon lành.
Anh Bồi cho biết bọn giặc vẫn đóng trong làng, đuổi hết dân đi. Rất có thể chúng ở đây mấy ngày, các anh không ở trên này được đâu. Bọn chúng sẽ lục tìm thấy các anh hoặc các anh bị bao vây đến chết đói, chết khát, khẩn trương đi đi thôi.
Nhưng đi bằng cách nào? Chúng tôi hỏi anh bồi như hói người chỉ huy tin tưởng.
Hiện nay bà con đang chạy giặc rất đông, chúng ta hòa vào dòng người đó. Vợ con tôi cũng phải chạy nên tôi đưa họ đến đây, các anh xuống đi cùng.
Chúng tôi rời trần bếp, cởi bỏ áo quần dàì chỉ mặc quần đùi, áo may ô. Tôi bế đứa con nhỏ của anh Bồi, cậu nhân viên xách làn bánh. Chúng tôi giống như mọi người dân đang chạy loạn ngoài đường. Chạy tới đầu cầu Trung Lương, bóng dáng bọn Pháp xa dần, làng quê yên tĩnh hơn. Vợ chồng anh bồi xin phép rẽ ngang về quê ngoại. Cậu nhân viên rẽ qua nhà xem tình hình gia đình và lấy thêm ít lương ăn. Một mình tôi với làn bánh mì đứng chờ ở đầu cầu. Có toán lính Pháp trang bị lủng củng, dùng báng súng xua đuổi những người dân qua cầu. Chúng sắp đến chỗ tôi đứng mà cậu nhân viên vẫn chưa thấy quay ra? Biết đi đâu bây giờ, tôi như người lạc lối. Không chần chừ được nữa, tôi bước lên cầu tiến đến bên tên lính gác. Nói tiếng Pháp ư? Không được, nó sẽ nghi ngờ thành phần nông dân tôi đang sắm vai. Tôi chìa làn bánh mì về phía tên lính gác, ra hiệu mời hắn ăn. Hán nhón 2 cái, tôi cầm 1 cái, cả hai cùng ăn, tôi cười chào hắn và lên cầu. Sang đầu bên kia, tôi cũng mời tên lính gác như vậy và qua cầu an toàn. Con đường bên này cầu ngổn ngang cây cối. Nhân dân đẵn cây, quăng bàn ghế chặn xe giặc. Một chiếc xe nhà binh len tới, tiến tới đầu cầu, dừng lại ngay cạnh tôi.Trên xe lố nhố bọn lính Pháp, một tên nhảy xuống xả một tràng tiếng Pháp cộng thêm các động tác tay chân: Hắn nhờ tôi dẫn đường. Tôi hiểu ngay nhưng giả vờ sợ hãi co chân chạy sang con đường ven sông. Tên lính Pháp tức tối chửi tục và rút súng nhè hướng tôi chạy xả hết băng đạn. Cũng may, tôi lăn xuống rãnh nước cạnh đó. Chiều, tôi ngồi lại một chiếc lều cất vó bỏ hoang, hi vọng tối có điều kiện sẽ thoát ra khỏi vòng vây kẻ thù. Không ngờ cậu nhân viên từ nhà quay ra cầu Trung Lương không thấy rôi, đi tìm khắp mấy vùng lân cận, cuối cùng thấy tôi nằm còng queo trong lều hoang. Cậu nhân viên vẻ ân hận: em ra muộn một tí, làm anh khổ quá, cũng may mà còn sống. Bây giờ không đi đâu được anh ạ. Bọn chúng bao vây chặt lắm, anh về qua nhà em rồi chúng ta định liệu sau.
Gia đình cậu nhân viên tiếp tôi như một vị khách quý. Nhưng tôi làm sao yên tâm với ân huệ đó. Ở mãi đây cũng sẽ bị lộ mà cuộc họp công an các tỉnh Nam Bộ tổ chức ở Bến Tre sắp khai mạc rồi. Cuộc họp này tôi vừa đề xuất vừa chủ trì. Gia đình cậu nhân viên cố thuyết phục tôi ở lại không được. Đành lấy quần áo, thức ăn, thuê thuyền cho tôi tới Bến Tre.
Thuyền đi trong kênh rạch suốt một ngày, xẩm tối tới Rạch miễu thuộc đất Bến tre. Tôi cặp thuyền lên bờ, mảnh đất dưới chân tôi mát rượi, không khí chung quanh trong lành, thơm phức mùi cây lá, hoa quả và cỏ dại. Đất tự do, đất của ta mà. Tôi đi người không, bộ quần áo, tài liệu đáng kể đều dấu kĩ trên trần bếp nhà luật sư Huỳnh Thái Thông. Khi tình hình yên ổn, cậu nhân viên sẽ quay lại đó lấy giúp tôi. Còn bao việc phải lo, trời lại sắp tối nhưng tôi chẳng quan tâm tới điều gì vì sống trong đồng bào, đồng chí mình cần gì phải lo lắng. Mấy ngày chạy giặc vừa qua gian khổ, lạ lùng là thế, vậy có nhân dân giúp đỡ, tôi vẫn thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù…
Tôi vội khựng lại, vì trên mảnh đất phẳng khá rộng cạnh đường, có một toán người đang cãi vã, chửi rủa. Đối tượng bị mắng nhiếc thậm tệ là người đàn ông da đen, cởi trần, bị trói chặt vào gốc cây bằng dây thừng. Tôi lắng nghe và hiểu ra là người đàn ông da đen là tù binh sắp bị toán công an địa phương xử tử, mà kì lạ thay, người ta quyết định xử tử tù binh bằng mổ bụng.
Tôi lao vào giữa đám người: Xin các đồng chí hãy dừng tay!
Một người còn trẻ, cao lớn túm lấy cổ áo tôi hỏi lại: Anh là ai? Từ đâu tới, sao dám đồng chí với chúng tôi?
Tôi cũng là công an, đề nghị các đồng chí xử tử tù binh bằng súng, đừng mổ bụng như thời thượng cổ thế.
Chúng tôi sẽ bàn đến anh sau, việc chúng tôi thì mặc chúng tôi – Một người già nhất trong toán lên tiếng. Đôi mắt người da đen không bịt vải, mở trừng trừng, như nói với tôi rằng anh bị oan ức. Những ngày tiếp theo đôi mắt người tù binh cứ ám ảnh tôi mãi, buộc tôi phải tìm hiểu về anh. Đó là chuyện của những ngày sau, còn bây giờ, tôi thay anh làm tù binh của toán công an địa phương. Ngoài lời tự giới thiệu đường đột của tôi, ai biết và ai dám khẳng định tôi là người như thế nào. Tôi không muốn thanh minh, không muốn hỏi thêm gì. Đành làm tù binh của họ, sẽ tìm được đến chỗ các đồng chí chỉ huy, đỡ hỏi thăm. Nghĩ vậy và tôi lẫm lũi đi, đầu óc sắp đặt chương trình cho cuộc họp công an các tỉnh Nam Bộ sắp tới.
Toán công an địa phương đưa tôi đến trụ sở công an Bến Tre. Gọi là trụ sở cho oai, thực ra là một gian nhà nhỏ của một người nông dân cho mượn. Tôi được họ cho ngồi bên mép phản gỗ, tất cả bỏ đi, duy một chiến sĩ trẻ mang súng trường đứng ở cửa, anh ta được lệnh canh giữ tôi. Thỉnh thoảng anh ta lại nhìn tôi đầy lạ lùng và cảnh giác. Tôi vẫn im lặng, không chú ý đến bất cứ thứ gì kể cả anh lính gác cửa, đầu óc tôi đang sa vào những dự kiến sắp tới cho công an Nam Bộ.
Lát sau có tiếng lao xao đầu hồi:
.Ông ta bảo là công an à?
.Vâng.
.Đã xem giấy tờ chưa?
.Chưa ạ.
.Đáng nghi ngờ đấy, liều thật, dám can thiệp vào việc xử tù. Thôi, ta vào nhà xem thử.
Hai người xuất hiện, một có mặt trong toán công an ban nãy. Một già dặn đường bệ nhanh nhẹn hơn, ra dáng chỉ huy ở đây. Vừa bước qua bậc cửa, anh ta nói luôn:
.Tôi là Sách, Trưởng ty công an Bến Tre. Anh nói anh là công an, cho xem giấy tờ?
Tôi lần cạp quần lấy ra mảnh giấy nhỏ trao cho Sách. Sách hết nhìn tờ giấy lại nhìn tôi, hết ngạc nhiên chuyển sang nghi ngờ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Phạm Văn Bạch giới thiệu Giám đốc quốc gia Bảo vệ cuộc Nam Bộ?
Sách lẩm bẩm như nói với chính mình, rồi quay sang tôi:
.Nghĩa là tôi đang tiếp kiến với “ngài Giám đốc” công an các tỉnh Nam Bộ, “thủ trưởng” trực tiếp của tôi?
.Đúng thế đấy, tôi khẳng định.
.Thế thì “thủ trưởng” sa cơ lỡ vận gì mà đến nông nỗi này?
.Tôi chạy càn. Trả lời thế nhưng tôi không tin là đồng chí trưởng ty kia hiểu ra. Cứ bằng câu mỉa mai vừa xong là thấy rõ điều đó.
.Tôi chẳng tin anh đâu, ba thứ giấy này – anh chỉ vào tờ giấy giới thiệu có chữ kí của ông Phạm Văn Bạch – bọn mật thám Sài Gòn làm được hết!
Sách bỏ tôi ngồi lại đó đi làm việc khác. Có tiếng báo cáo của anh lính gác cửa:
.Thưa đồng chí trưởng ty, chúng tôi phải xử lí tên tù binh này thế nào ạ?
.Xử tử, cho “mò tôm”.
.Về tội gì ạ?
.Tội can thiệp vào việc xử án của công an!
Thì ra họ nói về tôi. Họ định giết tôi thật ư? Đến nước này thì quá lắm.
Tôi chạy ra gần cửa gọi theo Sách: Ông trưởng ty dừng lại cho tôi nói cái đã?
.Ông nói đi? Sách dục, và biểu hiện ít quan tâm.
.Ít ra ông cũng phải hỏi tôi đến đây làm gì? Định giết tôi thì cũng hỏi lại cấp trên xem sao chứ?
.Tôi có quyền làm điều đó! Sách vẫn không chịu nhượng bộ. Nhưng rồi Sách cũng hỏi:
.Thế anh đến đây làm gì? Gặp ai?
.Tôi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre gặp ông chủ tịch Cái, chính ông Cái này mời tôi qua làm việc. Không may lại bị giặc càn bên Mỹ Tho nên tôi mắc kẹt.
.Ông Cái mời anh sang hả? Thôi được, anh chờ tôi hỏi ông ta.
Sách sang một buồng nhỏ phía dưới nhà, ở đó vọng lại tiếng tiếng quay điện thoại rè rè đều đều, tôi yên tâm.
.A lô, tôi xin gặp đồng chí Chủ tịch Tỉnh? A lô, bác Cái đấy à, chào Bác. Ở chỗ tôi có đồng chí giám đốc công an Nam bộ, bác mời đến trao đổi phải không? Vâng vâng, đúng là anh ấy bị rỗ nhẹ ạ. Vâng, thế mà xuýt nữa tôi cho anh ấy đi “mò tôm” đấy ạ…tôi thật non nớt, nông nổi quá. Vâng, bác sẽ đến ngay ạ.
Sách bỏ điện thoại chạy vội lên nhà lao đến nắm hai vai tôi, xuýt xoa ân hận:
.May quá, xút nữa tôi giết anh rồi.
Nhìn vào mắt, tôi thấy anh ân hận thật sự. Sau này ở lớp học nghiệp vụ anh là người năng nổ, ham học hỏi nhất. Anh đặt ra bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu tình huống có thể gặp, nhờ tôi bày vẽ cách xử lí.
Một tiếng đồng hồ trôi qua, sau khi Sách giúp tôi tắm giặt, ăn uống, xe của ủy ban nhân dân Bến Tre do ông Cái cử xuống đến tận trụ sở công an tỉnh đón tôi. Ngồi trên ôtô thỉnh thoảng tôi lại cười một mình: cuộc đời cách mạng thật lắm chuyện, không thể quên.
Tôi làm việc ngay tại trụ sở Ủy ban tỉnh. Ngoài việc chuẩn bị mọi mặt cho công an các tỉnh Nam Bộ, tôi tích cực tìm hiểu tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, trình độ nghiệp vụ, tinh thần làm việc của cán bộ chiến sĩ công an ở địa phương, bổ sung chi tiết thực tế cho bản báo cáo chung.
Qua tìm hiểu tôi nhận thấy lực lượng công an có nhiệt tình cách mạng, không ngại gian khổ hi sinh, căm thù giặc sâu sắc. Nhưng khi xử lí các vụ việc cụ thể lại rất ấu trĩ, non nớt nghiệp vụ dẫn đến giải quyết ít công minh chính xác. Có nhiều vụ việc gây oan sai cho nhân dân.
Tôi xác minh vụ xử tử người tù binh da đen hôm nào thì thực tế thật đau lòng. Người tù binh này gốc Ấn Độ, trong này thường gọi là người Chà Và, lính đánh thuê cho Pháp. Bản chất lương thiện, anh chán ghét chiến tranh bỏ trốn khỏi quân ngũ, về sinh sống ở vùng quê người con gái anh yêu. Anh đã ở đây 3 năm có vợ và có con. Trong một trận giặc Pháp càn vào Bến Tre, anh cùng vợ con tản cư. Đang nghỉ tạm ở một ngôi chùa, dân quân đến bắt anh đi, mặc cho vợ con kêu khóc và bà con cùng tản cư thanh minh giúp. Anh bị giải về công an tỉnh vì tội bắn vào dân thường và bị xử tử oan. Sự thể là Tây đến càn ở Rạch Miễu, du kích chống trả không được, rút lui. Tây bắn, lại vào một phụ nữ đang có mang. Đứa con gái 9 tuổi đi cùng chị còn sống, khai rằng bị một người da đen bắn mẹ rồi chạy theo hướng những người tản cư. Du kích truy lùng và bắt luôn người da đen xấu số đó.
 Đọc báo cáo của công an An Hòa về việc xử tử 3 người quê Bắc Ninh vì tội làm gián điệp, vì họ cho là những người này đi tàu thủy đột kích vào làm gián điệp cho kẻ thù. Tôi không thể bằng lòng với chứng cứ họ đưa ra, liền xin phép ông chủ tịch tỉnh xử lại vụ này? Ông Cái đồng ý. Tôi cho chuyển 3 tù binh đó lên công an tỉnh, tổ chức một ban xử lí án gồm nhiều công an, dân quân. Tôi bảo: đây nhé, các anh xem họ đi đường bộ hay đường thủy? Tôi tách 3 người ra hỏi cung, tôi hỏi rất đơn giản: các anh bảo đi đường bộ thì có vào quán nào ăn cơm không? Đàn ông hay đàn bà bán hàng? Già hay trẻ? Bàn ăn là gỗ hay tre? Có món gì? anh ngồi đây thì hai người kia ngồi chỗ nào…thế thôi, vì họ thông cung từ trước thì không thể trả lời giống nhau những chuyện lặt vặt như thế được. Yêu cầu trả lời chi tiết từng ngày, từng giờ quá trình đi từ Sài Gòn đến Bến Tre? Cả 3 đều trả lời hoàn toàn trùng hợp quá trình lặn lội đó, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Chứng tỏ họ đi đường bộ từ Sài Gòn đến và làm nghề thợ nhuộm, mọi người nhất trí như vậy. Tôi quyết định thả 3 người dân lương thiện đó.
Sau buổi xử án 3 người dân lương thiện ấy, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an Bến Tre bước đầu nhận thấy sự yếu kém trong nghiệp vụ của mình, họ đề nghị tôi xử lại một số vụ án trước đây. Tôi lập tức lợi dụng yêu cầu này mở lớp học tập nghiệp vụ xét hỏi, thông qua các buổi hỏi cung thực tế cho cán bộ chiến sĩ công an Bến Tre. Hầu hết họ đều tích cực học hỏi.
Tìm hiểu hồ sơ, xác minh thực tế, tôi cho thả gần 2000 người vô tội: có người gốc Nam Bộ theo đạo Thiên Chúa, cũng bị bắt. Một cha cố vì tiết kiệm xé một mảnh ở lá cờ Tam Tài để lau cối giã trầu, cũng bị bắt. Một thanh niên đội mũ xanh, mặc áo trắng, gài bút đỏ túi ngực cũng bị giải về công an, vì 3 màu đó là 3 màu cờ Tam Tài- cờ Pháp. Quả là bắt vô tội vạ, thiếu căn cứ, rất cảm tính.
Bây giờ lực lượng công an trưởng thành không ngừng, không thể có những ngờ nghệch như thế xảy ra. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ những ngày sơ sinh yếu kém, không ngừng phấn đấu vươn lên, không chủ quan tự mãn với kiến thức kinh nghiệm đã có, để xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Trước những non nớt ngày đầu mới thành lập, nhân dân rất thông cảm với công an, không trách cứ thành lời, song lòng không ưng…Như một hình thức tự phê bình và kêu gọi sự tin yêu của quần chúng, tôi viết một thông báo “Công an phải đoàn kết với nhân dân, với mọi tôn giáo, đảng phái”. Trong thông báo tôi nhắc nhở nhân dân giám sát, góp ý phê bình, giúp đỡ công an. Thông báo được nhân dân rất hoan nghênh. Có những nhà giàu ở Sài Gòn, sau khi đọc thông báo đã bỏ tiền in tiếp hàng vạn tờ, phân phát, niêm yết khắp nơi. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta yêu nước thiết tha, tinh thần vị tha cao cả. Họ thật công bằng khi đánh giá công an, không lấy một vài vụ việc non nớt về nghiệp vụ, để lấn lướt thành tích của công an là bảo vệ  an ninh đất nước non trẻ lúc đó.
Hội nghị công an Nam Bộ gồm bí thư, chủ tịch, trưởng phó công an các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre được tổ chức tại Bến Tre, với sự tham dự của đồng chí Tôn Đức Thắng, một nhà cách mạng vừa từ nhà tù Côn Đảo của bọn thực dân trở về. Hội nghị bàn bạc khá nhiều việc, trong đó xác định tăng cường xây dựng đội ngũ công an về số lượng và chất lượng. Giải quyết dứt điểm việc xử lí bọn tề ngụy, Việt gian cũ. Dựa vào dân xây dựng phong trào nhân dân tham gia giữ gìn trật tự trị an, giúp đỡ công an hoàn thành nhiệm vụ. Về tổ chức cần có cán bộ quân sự xuống tận cơ sở để tách nhiệm vụ quân sự, an ninh riêng biệt, và cần thêm một số vũ khí, khí tài.
Để đạt được mục đích kể trên, tôi cần trở ra Hà Nội xin ý kiến Trung ương.

Trở vào đã khó, trở ra cũng không kém khó khăn. Đồng chí chủ tịch Cái bố trí cho tôi đi nhờ một ghe bầu (loại thuyền buôn khá lớn), chở đầy gạo theo đường biển ra Bắc. Thuyền cập mũi Kê Gà thuộc tỉnh Phan Thiết. Vừa đật chân lên mũi Kê Gà tôi bị dân quân địa phương bắt luôn và giải về Ủy ban hành chính huyện. Đồng chí Chủ tịch huyện khá nhạy cảm, mềm mỏng và lịch sự, hào hứng nghe tôi trình bày. Nhưng vốn cẩn thận, anh chuyển tôi tiếp lên Ủy ban hành chính tỉnh Phan Thiết. Rất may, Chủ tịch tỉnh là một đồng chí bị cầm tù ở nhà tù Đăckmil với tôi, cùng quê Nghệ An. Thay cho cuộc “Thẩm vấn”,  chúng tôi mở tiệc - kiểu nhà tù - mừng cuộc gặp gỡ. Và suốt đêm nói chuyện về tình hình đất nước, Quê hương, bạn bè, đông chí…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi đã có bao lần công tác, bao lần ra Bắc vào Nam. Nhưng lần ra Bắc này tôi nhớ nhiều, đó là cuộc gặp Bác Hồ.
Vừa về cơ quan, tôi thấy một chiến sĩ trẻ hỏi thăm để tìm tôi? Mời tôi lên gặp bác Hồ. Tôi cũng lạ, sao Bác biết tôi đã về? Vừa đến cửa, tôi đã thấy Bác đi ra bắt tay tôi rất chặt và tươi cười hỏi:
.Chú trở ra vất vả lắm có phải không? Mất hơn 10 ngày rồi còn gì, nào uống nước đi.
.Sao bác biết là tôi ra? Tôi mạnh dạn hỏi lại Bác.
Bác Hồ đặt chén trà nóng trước mặt tôi rồi nói tiếp:
       .Ông Bạch gọi điện ra nói cho tôi biết, tôi đã thông báo anh em chuẩn bị mọi thứ trong đó cần để khẩn trương chuyển vào.  Chú yên tâm đi, bây giờ, chú kể mọi chuyện trong đó cho tôi nghe.
Tôi say sưa kể với Bác về những gì mình nhìn thấy, nghe thấy, dự đoán thấy ở nửa đất nước phía nam. Bác lắng nghe chăm chú, thỉnh thoảng yêu cầu tôi kể tỉ mỉ hơn. Cuối cùng bác hỏi: Theo chú, đồng bào Miền Nam có tin chính quyền mới không? -Rất tin ạ.
Bác bảo: Đấu tranh giành được đất nước về tay nhân dân, để giữ vững, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền, công an các chú phải chủ công thực hiện. Dân đã thấy ta cướp chính quyền từ tay kẻ thù, dân đang theo dõi ta giữ chính quyền ra sao?
Những năm sau nữa tôi còn nhiều lần gặp bác nhưng lần trao đổi này cởi mở, kéo dài hơn cả.
Ít ngày sau, tôi áp tải chuyến vũ khí đầu tiên vào Nha Trang, ở đó có người đón đợi tiếp nhận. Tôi quay ra nhận nhiệm vụ mới. Tôi được điều về làm Phó Giám đốc Công an Bắc bộ, phụ trách Điệp báo.

                                                                         *
                                                                      *     *
Ngày 12.7.1946 ông đã cùng lực lượng Công an đột kích vào 132 Đuvineau (nay là Bùi Thị Xuân, Hà Nội) đập tan từ trong trứng âm mưu đảo chính của thực dân Pháp kết hợp với bọn Đại Việt trongViệt Nam Quốc Dân Đảng, định tiến hành vào ngày quốc khánh Pháp 14.7.1946, sau này gọi là vụ án Ôn Như Hầu. Và ngày 12.7 trở thành ngày truyền thống của lực lượng An ninh Việt Nam.
Ngày 27.9.1950 ông đã cho nổ tung chiến hạm Amiođanhvin ngoài khơi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Kết thúc có hậu của hoạt động điệp báo, gọi là A13, đập tan âm mưu đánh vào vùng tự do khu 4 của thực dân Pháp. Một chiến công oanh liệt của công an Việt Nam.…
Và ngày 11.8.2011(12.7 Âm lịch) Làng Thúy Lạc, Tiền Hải, Thái Bình đã rước chân hương trên bàn thờ ô.Nguyễn Tạo về làm Thành Hoàng Làng, một vị Phúc Thần che chở cho dân. Bởi một câu chuyện xa xưa là ô. Nguyễn Tạo đã động viên dân hai làng Thúy Bông, An Lạc ở Hưng Hà các xa 70 cây số, về đây. Để lập lên làng Thúy Lạc trù phú ngày nay.
Đúng như ông Mười Hương, người Lãnh đạo cơ quan tình báo chiến lược một thời, đã nói: Ông Nguyễn Tạo là con người của lịch sử.

                                                                                              11.11.2011
                                                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.