Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chuyện về các cụ Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm (Kiều Mai Sơn)



Từ trái: Các cụ Lê Thiết Hùng, Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang - đại biểu QĐ tại Đại hội 3 (1960) .
 
Trước đó, từ cuối mùa đông năm 1939, đầu năm 1940, Lê Quảng Ba và Trần Sơn Hùng (tức Thiếu tướng Hoàng Sâm) được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Những câu chuyện này và nhiều “huyền thoại” khác về họ vẫn được kể bên bếp lửa đỏ của người Tày, người Nùng, người Dao ở Việt Bắc…

Chuyện bảo vệ lãnh tụ tại Cao Bằng, nhà văn Đỗ Quang Tiến đã xây dựng trong truyện “Vòm trời biên giới” (Tuổi trẻ Lê Quảng Ba), nhà xuất bản Việt Bắc 1972. Năm 1987, Thiếu tướng Lê Quảng Ba kể lại cho Đại tá nhà báo Hoàng Thế Dũng câu chuyện những ngày bảo vệ Bác Hồ tại Pác Bó dưới dạng hồi kí, và 100 ngày trước khi ông ra đi vĩnh viễn, cuốn sách đã được hoàn thành. Tháng 12-1994, kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cuốn sách “Bác Hồ với đội du kích Pác Bó” đã được chào đời bởi bà đỡ mát tay là nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.
Năm ấy, ở Hà Quảng, Cao Bằng cũng như nhiều năm trước, có không ít bọn phỉ cướp phá. Châu uỷ Đảng Cộng sản đã lập được đội du kích và phát động phong trào phòng, chống phỉ để canh giữ thôn, bản và dự kiến nhiều phương án đối phó nếu phải chạm trán với chúng. Một yêu cầu đề ra cho đội du kích là: vạn bất đắc dĩ mới đối đầu với chúng. Kể ra, Đội Du kích Pắc Bó này cũng không phải là vô sản. Họ có hai khẩu súng ngắn pặc-khoọc, một số lựu đạn Italia và lựu đạn chày mua của Quốc dân đảng.
Bọn phỉ cũng biết đội du kích và cả 2 cán bộ lãnh đạo: ông Lê (tức Lê Quảng Ba) và ông Trần (tức Hoàng Sâm). Nhằm thị uy, trấn áp, thăm dò lực lượng xem cái gan hai ông này thế nào, để đối phó, làm ăn, nên chúng bày mẹo mời thi uống rượu, thi bắn súng.
Một hôm, trời quang, mát mẻ, chúng kéo quân về Pác Bó, đặt 1 khẩu trung liên trên đồi, chiếm điểm cao, 2 khẩu còn lại, 1 đặt trước, một đặt phía sau Pác Bó, sẵn sàng nhả đạn.
Vào nhà một quần chúng cách mạng, tên trùm phỉ Lỷ Síu bảo:
- Tao biết ông Trần, ông Lê Cộng sản ở gần đây. Mày báo cho hai vị là Lỷ Síu, muốn mời hai vị đến uống rượu chơi!
Tin về Đội Du kích Pác Bó. Cán bộ Lê và Trần thảo luận:
- Nó muốn nắn gân mình đây! Không đến, nó cho là hèn, có thể còn cướp cả bản. Nó mà cướp được bản thì đoàn thể mất uy tín, bọn phỉ khác lại tung hoành. Mà đến có khi phải đấu súng.
Cuối cùng, hai người thống nhất là phải đi, nhưng khéo léo, dùng mưu đánh cho trùm phỉ một đòn.
Cùng với việc lệnh báo cho cơ sở tăng cường canh gác, tập trung trung đội, vận động nhân dân “bao vây” Pác Bó. Một mình, một súng pặc-khoọc, cán bộ Trần Sơn Hùng, có nghĩa là “con gấu núi” họ Trần, đàng hoàng bước vào ổ phỉ.
Lỷ Síu ra đón ngay:
- Ông Lê có nhà mà không đến uống rượu với Síu này à?
Cán bộ Trần đáp lời:
- Ông Lê đang huấn luyện cho một đội quân, nếu cần, ông ấy sẽ đến. Có gì, ta sẽ mời ông ấy đến sau.
Thức ăn là những tảng thịt lợn, gà luộc chấm muối, rượu từ trong vò rót ra bát, tràn đầy mới dừng tay.
- Rượu ngon, xin mời ông Trần.
Ông Trần chưa bưng bát rượu lên mà thong thả bảo:
- Tôi có lời trước với ông là, ông nên ra lệnh cho quân ông đừng sơ sểnh mà cướp cò súng... Nếu có tiếng nổ, quân tôi tưởng là tôi ra lệnh, họ sẽ rót đạn vào đây. Bữa tiệc của ta mất vui. Ông thấy thế nào?
Bán tín, bán nghi, nhưng cũng e sợ, Lỷ Síu cho lệnh tháo đạn.
Ăn không bao nhiêu, nhưng rượu ông Trần uống thì hết bát này, cạn bát khác...
Lỷ Síu khen:
- Tửu lượng của ông quả là cao. Vui thế này ta nên mời ông Lê đến...
Cán bộ Lê tới, cùng uống rượu, bên hông vẫn kè kè khẩu pặc-khoọc (khẩu thứ hai của đội).
Xong tiệc, trùm phỉ mời 2 vị xuống núi dạo chơi.
Đến một cây si to, Lỷ Síu dừng lại:
- Tài bắn súng của ông Lê đã lừng danh thiên hạ, bách phát bách trúng, tôi vốn có lòng hâm mộ. Hôm nay được hội ngộ, xin được ông chỉ giáo cho.
Ông Lê khiêm tốn:
- Họ nói thế thôi chứ, ông Trần đây mới đáng là đàn anh của chúng tôi. Nhưng nếu ông đã có lời, tôi không dám chối từ. Xin mời ông...
Lỷ Síu chỉ vào một vạch tròn trên cây si bảo, “hồng tâm ở cây si”, rồi giơ súng, bóp cò. Viên đạn chạm vào cách điểm tâm vài phân. Cán bộ Lê rút súng bắn ngay. Tên trùm phỉ hoảng vía:
- Ôi! Đúng hồng tâm rồi!...
Họ rủ nhau đi tiếp. Gặp một bụi nứa nhỏ, Lỷ Síu lại thách:
- Tôi với ông Lê bắn cây hóp to nhất nhé!
Tuy là một tay bắn cừ, hai tay như nhau, thường ngày, tên phỉ này ít bắn sai, nhưng hôm nay bị “ma ám” nên nó bắn không được. Viên đạn của nó chỉ chạm vào cạnh cây hóp, để lại một vết xước nhỏ.
Đến lượt ông Lê, khẩu súng chĩa nhanh về phía bụi cây, xen vào tiếng đạn nổ là tiếng “đốp”, một dóng cây hóp nứt toạc ra.
Lỷ Síu mặt tái lại:
- Quả là danh bất hư truyền.
Chừng vẫn chưa chịu, trùm phỉ lại chỉ một cây đu đủ trước mặt, cách xa chừng năm, sáuchục mét, nói lạc giọng:
- Ta bắn quả chín lồi ra...
Cán bộ Lê lại “mời ông bắn trước”.
Lần này, Lỷ Síu cẩn thận hơn, từ từ nâng súng lên, nheo mắt, bóp cò. Viên đạn xuyên qua quả đu đủ, hạt đen rơi vãi xuống...
Cán bộ Lê khen:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm!... Tôi xin phép lấy nó xuống. Chín rồi mà....
Tỳ súng lên khuỷu tay trái, ông Lê nhằm cuống quả đu đủ. Đạn nổ, quả đu đủ bị đạn trúng cuống, rơi bịch xuống đất.
Bấy giờ, tên trùm phỉ vã mồ hôi trán. Nó ấp úng:
- Tôi thật là... Đứng trước Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục!
Là một tay ném lựu đạn trăm lần không sai lần nào, trùm phỉ lại gạ ném thi lựu đạn. Cách chỗ họ đứng khoảng 50m, Lỷ Síu cho xếp đá thành một vòng tròn đường kính khoảng 2m. Nó lịch sự nói:
- Xin mời ông Trần...
Trần Sơn Hùng rút ngay 4 quả lựu đạn Italia bên hông, hào phóng vung tay, đất đá cuội trong vòng tròn tung lên. Còn Lỷ Síu ném một quả chệch vòng tròn, lại không nổ.
Lỷ Síu nói:
- Tôi ném lựu đạn chày quen tay...
Cán bộ Lê cười vui vẻ, ra lệnh cho đồng chí du kích đi theo:
- Đồng chí về báo cáo thủ kho, khiêng ra đây một thùng lựu đạn chày.
Thực ra ta chỉ có 18 quả, để trong 2 thùng, một thùng 8 quả, một thùng 10 quả!
Cuộc thi ném lựu đạn bắt đầu. Ông Trần ném 4 quả 4 lần trúng đích, Lỷ Síu ném 4 quả, 4 lần ra ngoài.
Như con thú say máu, Lỷ Síu lại thách ông Lê:
- Tôi với ông thi bắn súng trường chứ?
Ông Lê ra lệnh:
- Về kho, chọn một khẩu súng trường Bỉ ra đây.
(Như trên đã biết: gia tài của ông Lê chỉ có độc một khẩu Bỉ mà thôi!).
3 lần Lỷ Síu bắn đều trượt, còn 3 phát đạn của ông Lê đều trúng hồng tâm.
Cay cú, trùm phỉ đánh con bạc cuối cùng:
- Ta thi bắn trung liên.
Cán bộ Lê, thấy cần phải hạ nhiệt.
- Rất tiếc, chúng tôi không có trung liên.
Lỷ Síu hằn học:
- Chúng tôi biết các ông mới bắn thử trung liên mà.
(Thật ra, cán bộ Lê đã tập trung mấy khẩu súng trường, bắn từng loạt 3 phát một “giả” trung liên rồi cho người phao tin “du kích có súng liên thanh”).
- Nhưng thôi. Tôi biết các ông có đoàn thể nhiều súng, nhiều đạn (!). Còn chúng tôi bắn một viên, ném một quả lựu đạn cũng phải móc ở hầu bao ra. Xin chịu thua các ông.
Thì ra, lúc ném lựu đạn, Lỷ Síu không rút chốt an toàn... để tiết kiệm!
Chắp tay vái chào “kính lễ” xin có dịp tái ngộ, trùm phỉ ra lệnh rút quân.
Cán bộ Lê và Trần cùng mấy anh em đi tắt đường chặn trước đường rút của bọn phỉ. Cho nạp thuốc nhồi mảnh gang vào nòng một loại súng kíp to, cán bộ Lê “khai hoả”. Khẩu súng gầm lên, bụi cây bị cắt xén, cành lá bay tứ tung. Bọn phỉ còn cách xa, nhưng nghe tiếng nổ, sợ mất vía, chạy tán loạn.
Ông Lê và Trần đến gặp Lỷ Síu. Mặt tên trùm phỉ cắt không còn hạt máu, lắp bắp:
- Súng gì mà to thế các ông?
- À, súng mới nhận ở nước ngoài về. Quân chúng tôi đang tập trận, nên tôi phải đi trước về báo, kẻo lại bắn nhầm vào quân của ông.
Lỷ Síu trầm trồ:
- Các ông đi cách gì mà nhanh thế? Cũng may mà các ông về sớm. Xin đa tạ.
Nó chắp hai tay lại, cúi đầu mấy lần:
- Xin đa tạ, đa tạ. Hẹn tái kiến, tái kiến...
Thế là rừng Pác Bó từ đó không thấy trùm phỉ Lỷ Síu xuất hiện. Và chuyện “đấu rượu, đấu súng” đã làm cho tất cả bọn phỉ biên giới “cạch mặt” hai ông “tướng Việt Minh” và đội du kích của đoàn thể Việt Minh được lan truyền khắp nơi. Sợ uy Việt Minh, một số nhóm phỉ khác trong vùng cũng phải dạt đi nơi khác.
**
*
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thiếu tướng Lê Quảng Ba được tín nhiệm cử giữ nhiều nhiệm vụ trọng yếu: Khu trưởng Khu Hà Nội (nay là Tư lệnh Quân khu Thủ đô), Chỉ huy trưởng Mặt trận Duyên hải Đông Bắc và vượt Thập Vạn Đại Sơn giúp Hồng quân Trung Quốc tiêu diệt quân Quốc Dân đảng giải phóng đất nước và thành lập nước CHND Trung Hoa, Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 316, Tư lệnh Quân khu Việt BắcNăm 1960, ông chuyển ngành, làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III (1960), đại biểu Quốc hội từ khóa II (1960) đến khóa VI (1976), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quí khác./.
Hết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.