Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Cả nhà mê thể thao

1. Cha là người mê thể thao, cụ bảo: Sau giờ làm việc trí óc căng thẳng phải tập thể dục, chơi thể thao cho thư giãn. Vì thế mà cụ tham gia "hội săn" với các tướng lĩnh Phạm Kiệt, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện... và tranh thủ ngày nghỉ hay về Hưng Yên cùng chú Tạo, chú Quỳnh lội ruộng, lội đầm, săn vịt giời, mòng két... hay về tận Thanh Hóa, Ninh Bình săn thú.
Cả súng hơi hay 2 nòng cha đều "xuya".

Các cụ tự sắm cho nhau những khẩu ca-lip đui 1 nòng, 2 nòng bắn đạn ria (hoa cải), áo dù loang lổ, mũ, đèn, máy làm đạn... Đã kể, cụ hay kết hợp nghỉ tết về Ân Thi săn chim. Cũng có chim cho ông bà ăn nhưng từng lật thuyền, ướt lạnh lại giữa mùa đông. May khỏe nên không sao.
Sau này Việt Trung cũng rất mê thú đi săn, từng cùng Tiến Long, Nghị, Việt Tấn, Lượng đi săn vịt giời ở chùa Hương, hay lên tận Hòa Bình săn thú... Tiếc là khẩu ca-lip của cha không còn.



2. Môn bóng bàn cũng rất hấp dẫn cha: "Loại này tiện, ở đâu cũng có thể dựng bàn bóng để chơi. Như bên TQ họ toàn dùng bàn xi măng, để ngoài trời, dãi dầu mưa nắng chả sao mà phổ cập được toàn dân chơi thể thao, từ đó chọn được người tài".
Chả thế ngày còn ở 38 Trần Phú, nhà ta rộng hơn cả và là nơi hội tụ của trẻ con cả khu. Đặt cái bàn ra giữa nhà làm chân, nâng tấm phản giường lên trên làm bàn, lấy 2 viên gạch làm cột và thanh nứa đặt ngang làm lưới; vậy là có bàn ping pông. Cả bọn xếp hàng vào chơi.
Anh Tường (nhà bác Chánh) ngày đó đã lớn, đi học và ở với bác Sáu dưới Hải Phòng. Ông anh từng tham gia giải bóng bàn học sinh, nên mỗi kì nghỉ hè là về dạy chúng ta. Nào những quả séc vít, những quả cắt bóng, những quả líp giật, quả phản, quả ve... Hết đánh đơn,  đến đánh đôi. Học trò là Trung Việt (cầm vợt dọc), Toàn Thắng, Thắng Lợi, Châu "lé", Linh "ngổ", Bá "de" (chơi vợt ngang)... lứa sau là Quốc, Công. Bóng, vợt thì ra Mậu dịch Cửa Nam; loại mút xịn rất hiếm, phải nhờ anh Tường mua của bọn Hoa kiều dưới Phòng. Thắng Lợi là tay có khả năng hơn cả, sau này đánh ở đội tuyển của trường Trỗi.
Khi nhà chuyển về 99 Trần Hưng Đạo thì thấy đã sẵn cái bàn bóng ở đây. Vậy là bọn trẻ khu 38  ùn ùn kéo sang. Sân xướng lại rộng. Bàn bóng đặt dưới cây ổi găng sai quả. Thằng chơi, thằng trèo lên cây hái ổi. Ổi găng mà ruột lại hồng đào, vừa ngon vừa thơm.

3. Cha rất thích bơi lội. Mỗi lần về nước hay lên CLB Ba Đình bơi. Nhờ bơi mà huyết áp ổn định (cha bị cao huyết áp). Ngày xưa cụ rất thích võ vẽ mà sau này Việt Trung, Hưu Nghị là những thầy dạy không tồi của môn phái Vĩnh Xuân.
Còn bác Chiến đã tham gia Đội bơi Thiếu niên HN, từng dự giải bơi vượt sông Mã, sông Hồng nên cả nhà biết bơi, kể cả chị Hồng và Phúc. Hiếm có nhà nào như thế; anh dạy em, em dạy chị.
Anh Chiến bơi giỏi, đặc biệt có thành tích bơi bướm.

Ngày đó quan hệ của ta với TQ rất tốt nên Sứ quán TQ có lời mời gia đình các tướng lĩnh ở "phố Tổng Hành Dinh" (Hoàng Diệu) vào bơi sau khi bể bơi khánh thành (quãng năm 1961, 62). Cứ chiều chiều, anh em tôi lại bách bộ qua vườn hoa Canh Nông (gọi Canh Nông vì xưa có bức tượng đồng đặt trên bia đá với hình tượng nông dân Việt đang dâng lúa gạo cho chủ Tây. Sau tượng bị giật đổ, cả khối bia to cũng bị phá bỏ. Tiếc thật! Nay là công viên Lê nin.) tới Sứ quán. Nhân viên hành chính quen mặt, mở cổng liền (chả phải hộ chiếu, visa như giờ). Vậy là tha hồ bơi, tới tối mịt mới về. Những hôm nào có cha cùng đi bơi, thậm chí bác Chu Kì Văn đại sứ còn mời ở lại ăn cơm. Thân thiết hơn cả  là vợ chồng chú Văn Trang, cô Diệp Tinh, công tác tới đầu 1960 mới về nước.
Vào bơi gặp cả bọn trẻ con nhà chú Nguyễn Cơ Thạch; hay cánh nhà bác Văn, chú Dũng... Vui lắm.
Chính vì biết bơi mà có chiều thứ năm nghỉ học, Châu "lé" rủ cả bọn nhóc khu tập thể 38 Trần Phú đi bộ từ nhà ra cầu Long Biên, xuống Bãi Giữa để bơi lội. Sông Hồng chả có nhánh rẽ vào sau khu tập thể  K95. Nước ở đây không sâu, hầu như bị tắc vào mùa khô. Vậy là lặn ngụp thoải mái. Cũng tại đây Công suýt chết đuối vì tụt xuống hố sâu. May nhờ bác Chấu "lé", chứ không thì chả có thằng Hùng, thằng Quang như hôm nay.

4. Bóng đá là môn bọn trẻ khu 38 mê nhất. Sân là  khoảng trống giữa nhà chính và bếp, chiều ngang cỡ 25m, chiều dọc thì suốt từ dãy nhà mới sang dãy nhà cũ (từ thời Pháp) dài tới 50m. Ở giữa sân có 2 cây cọ già, thỉnh thoảng rơi quả xuống làm bọn trẻ con tranh nhau đập, lấy nhân ăn. Chú Ba Xó (bảo vệ kiêm nấu ăn cho khu) là huấn luyện viên.
Cánh anh Tăng Cường, Long "tu" bên Viện quân y 354 hay chui rào (vì có 1 lỗ mở thường xuyên cho trẻ con, bọn tôi hay chui qua chui lại, thậm chí vào trong Thành) sang đá bóng. Không biết bao nhiêu phích của các nhà đặt góc, chờ chú Xó rót nước sôi, bị bóng đá vào, vỡ. Vỡ cái nào, các cầu thủ nhí biến 1 lúc lại chạy ra đá.
Một lần, thằng Bùi Quang (bên Bảo tàng QĐ) sang chơi. Hắn đá phạt, quả bóng tin đầu bác Sum gái đang phơi tóc sau khi gội đầu. Bác bị chóang, lảo đảo ngã xuống giường. Gia đình phải đưa đi cấp cứu, nằm Viện 354 mấy hôm. Ra viện bác bảo: "Đứa nào đá làm bác phải nằm viện, tốn khá tiền". Cả bọn lắc đầu: "Thằng ấy là thằng Bùi (đã gọi trại đi!), không ở khu mình". Vậy mà chả chừa, cứ xểnh ra là đá.
Lần anh Nguyễn Sĩ Hưng (con chú Đồng Sĩ Nguyên) dẫn Bắc "bu", Quang Việt sang đá với khu tôi. Vì anh Hưng đá Thiếu niên Tp nên đội tôi thua. Cú lắm!
Hôm nào nhiều đội đá, cánh còn lại phải kéo ra vườn hoa Canh Nông, phía trước tượng đài có bãi rộng nhưng toàn sỏi. Có lần tôi bị mất móng ở đấy vì đá chân đất. Đau thì đau nhưng vẫn không chừa.
Sau này nhiều tên lên trường Trỗi thành cầu thủ đội tuyển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.