Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Bất đáo Truờng Thành... (KQ)

Vạn lý Trường thành – công trình dài hơn 6.000km, được xây dựng suốt gần một thế kỷ từ năm 500 TCN, đặc biệt dưới thời vua Tần Thuỷ Hoàng (220-200 TCN) - một trong 7 kì quan của thế giới. 
Cuối 2007, nhờ chú Công mà có cuộc du lịch của 4 anh em (Chiến, Quốc, Công, Trung) đi Thượng Hải, Bắc Kinh, thăm cả sư quán nơi cha đã làm việc 8 năm. Thật ý nghĩa.

Ngày nay Vạn lý Trường thành không chỉ là đích đến của người Trung Hoa mà còn thu hút hàng triệu du khách trên thế giới. Cuối năm rồi chúng tôi từng viếng thăm mấy tỉnh Trung Quốc. Được nghe người Trung Hoa có câu “Bất đáo Trường thành phi hảo Hán” nên trong chuyến công du Bắc Kinh, chúng tôi quyết tâm tới thăm Dung Cư Quan, đọan thành cách thủ đô về phía bắc khoảng 60-70km.


Xe rời khách sạn lúc 7g. Buổi sáng se lạnh, mặt trời đang lên. Ánh nắng ban mai như cố sưởi ấm cho Bắc Bình những ngày giá tuyết. Từ xa đã thấy những đoạn thành len lỏi từ chân theo sườn núi lên tới tận đỉnh rồi nối sang đỉnh núi khác. Núi đá điệp trùng chắn trước mặt, chỉ có lối đi độc đạo giữa khe núi. Cây cối thưa thớt, tuyết trắng chưa phủ kín. Xe qua cổng Dung Cư rồi vòng vèo thêm vài cua nâng dần cao độ mới tới bãi đỗ. Nơi đây bằng phẳng, nhà cửa xây san sát theo lối kiến trúc cổ Trung Hoa. Có lẽ trước kia là nơi tiếp lương, là căn cứ hậu cần. Vé vào cửa lên thăm thành không rẻ, 50 tệ/khách (trên 100 nghìn tiền ta), vậy mà xe du lịch chở khách nườm nượp chạy vào bãi. Ngay cửa vào có khu bảo tàng lưu giữ những di vật cùng thông tin qua mấy nghìn năm về “Thành dài vạn dặm” này. Vừa xuống xe ai cũng háo hức muốn chinh phục ngay Vạn lý Trường thành. Nhưng hướng dẫn viên khuyến cáo du khách nên đi từ từ, tránh vội vàng, đặc biệt người có bệnh tim thì không nên lên cao vì không khí sẽ loãng dần, dễ ngộp thở. (Vậy mà từng có không ít du khách trẻ thách đố nhau xem ai chạy lên đến đỉnh trước, nhưng chỉ leo được vài trăm bậc thì lăn ra ngất xỉu!).
Thành xây dốc theo sườn núi. Có đoạn thoai thoải, mặt thành xây phẳng, nhưng không ít đoạn dốc đứng phải cúi gập cả mình, chân lần theo từng bậc thang. Có những đoạn thành rộng trưng bày tượng binh lính thời cổ với mũ, áo và gươm dáo, trông đằng đằng sát khí. Chúng tôi “âm thầm” ngược dốc, vừa đi vừa thở ra cả đằng tai. Cả toán vài chục khách tách dần thành từng nhóm nhỏ, có nhóm rẽ ngang chụp ảnh chứ hết dám đi tiếp. Tiết trời lạnh làm cho không khí thêm trong sạch. Nhìn đất trời bao la, hít sâu tới tận bên trong phổi. Lên càng cao càng có cảm giác đã chiến thắng chính mình.
Từ trên cao thấy những căn nhà có mái ngói xám, sắp xếp gọn gàng. Phía dưới hai bên bờ thành thấy những con đường mòn chạy trên tuyết, chả khác gì đường mòn trong phim “Rừng thẳm tuyết dày” được xem những năm 60 thế kỷ trước. Độ trăm mét lại có một tháp canh - nơi nghỉ chân và đốt lửa báo tin (phương pháp truyền tin cổ điển). Chả hiểu đoạn thành này được xây từ năm nào mà vật liệu còn tốt lắm, những viên gạch chỉ hơi mòn lõm theo thời gian.
 

Dọc thành có những đoạn tường treo đoạn dây xích dài có sập tới cả chục ổ khoá buộc dải vải điều. Chả là những đôi trai gái yêu nhau khi lên tới đây mang sẵn theo ổ khóa, trước trời cao đất rộng họ thề thốt “sống bên nhau trọn đời” rồi sập khóa lại và liệng chìa khóa đi thật xa. Chúng tôi được chứng kiến 2 bạn trẻ (tuổi ngoài 20) hú hét thật to rồi giang tay ném chiếc chìa khóa đi. Sau đó, họ ôm hôn nhau thắm thiết. Trên bờ tường thành thấy gắn những bảng hướng dẫn bằng tiếng Hán và tiếng Anh. Trước tấm biển cảnh báo “Cấm gọi điện thoại di động khi trời có giông bão!”, Trần “tiên sinh” bạn tôi, vốn là người thông hiểu chữ Hán, đã dịch là “Chấn vũ thiên khí cấm đả thủ cơ”, rồi giải thích: Người Hoa có lối viết rất hay, “chấn vũ thiên khí” thì rõ rồi nhưng “gọi điện thoại” thì dùng là “da diànhuà” nên chữ “đả” (da) đã đặc trưng cho hành vi này, còn “thủ cơ” (shouji) là cái “máy cầm tay” (chỉ điện thoại di động). Nghe mà sướng!
 
Anh bạn cùng đoàn khi chiếm lĩnh đỉnh cao đã giơ tay vẫy chào. (Chả khác gì lãnh tụ!). Phía dưới chân núi thì người trông nhỏ như những con kiến, còn sau lưng là những đoạn thành dài thật là dài và còn lâu mới chinh phục nổi nhưng ông ta đã thốt lên: “Cảm giác của tôi lúc này chả thua kém gì của nhà báo Hữu Việt bên Tiền phong khi đặt chân tới “nóc nhà” Phan-xi-păng năm nào!”. Giữa đường lên có ki-ốt chụp ảnh cấp chứng chỉ “Đã chinh phục Vạn lý Trường thành”. Giá cắt cổ - 50 tệ nhưng cũng liều lấy một cái đeo lên cổ. Đã lên đến đây chả lẽ…(!).
Khi quay trở về không còn thấy cảm giác mệt vì toàn xuôi dốc. Có cảm giác lâng lâng. Nhiều đoạn phải “phanh lại” vì không khéo sẽ trượt chân ngã khi đặt chân lên mặt thành bị nước đóng băng. Khi quay về vẫn thấy đôi trai gái nọ đang ôm hôn nhau say sưa bên đoạn xích. (Không vì lạnh và đói thì chắc nụ hôn sẽ còn “kéo dài cả thế kỷ”? Thi vị quá!). Chợt nghĩ, chả hiểu có bao nhiêu đôi lên tới đây rồi trọn đời ở kiếp với nhau?
 
Xuống đến nơi, du khách không thể không tạt qua những quầy bán hàng lưu niệm. Đủ thứ quà, nào là mô hình Vạn lý Trường thành lớn các cỡ, nào là huy hiệu Mao Chủ tịch hay trang phục Hồng vệ binh thời Đại cách mạng Văn hoá cùng nón, mũ, áo souvernir… Những cô gái má đỏ hây hây đon đả mời chào. Sau lưng họ là những quầy hàng bài trí gọn gàng, bắt mắt chứ không bừa bãi, tự tung tự tác như các điểm du lịch ở ta. Vệ sinh công cộng ở đây thì khỏi chê, chỗ nào cũng thấy có thùng rác và nhân viên lao công luôn tay quét dọn. Không hề thấy một cọng rác. Ai có nhu cầu vệ sinh cá nhân thì vào những WC sạch sẽ, thơm mùi thuốc khử trùng. Thầm nghĩ giá mà ngành quản lí du lịch của ta làm được như thế!?
 
Ông bạn đồng hành khi “hạ sơn” đã tranh thủ dừng chân bên lưu bút trên đá của cụ Mao “Bú dáo cháng cheng fei hao Han!”. Tôi lặng lẽ chớp pô ảnh kỉ niệm để minh chứng rằng dân Việt ta đâu thua kém gì “hảo Hán”, từng “đáo Trường thành”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.